Hội tụ tinh hoa nghệ thuật của người lính

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014) và 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014 đã quy tụ 1.200 cán bộ, diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật trong quân đội. Với chủ đề 'Dưới cờ Quyết thắng', Hội diễn đã mang đến cho người xem một chương trình đặc sắc, sáng tạo, phản ánh đầy đủ bản sắc văn hóa vùng miền. Điểm nhấn là các tiết mục về biển, đảo - chiếm tới hơn 20% thời lượng chương trình.

Một tiết mục đặc sắc của Đoàn văn công BĐBP.

"Bữa tiệc" nghệ thuật mang phong vị vùng miền độc đáo

Hội diễn có 19 chương trình ở hai loại hình nghệ thuật ca múa nhạc và vở diễn sân khấu, trong đó, 11 chương trình ca múa nhạc tổng hợp, một chương trình hòa tấu, 5 vở diễn sân khấu. Nội dung các chương trình, vở diễn tập trung ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, ca ngợi bản chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ qua các cuộc kháng chiến, trong cuộc sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định ý chí, nghị lực của người chiến sĩ quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Với sự hòa quyện giữa âm nhạc, ca từ và nghệ thuật hình thể, các chương trình đã mang tới cho người xem "bữa tiệc" nghệ thuật đầy âm sắc vùng miền. Âm hưởng của núi rừng Tây Bắc, Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc được các diễn viên, nghệ sĩ Đoàn văn công Quân khu 1 tái hiện đầy hào khí với "Âm vang gió ngàn", "Tiếp bước dưới Quân kì", hay ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong liên khúc hát múa "Dưới tán rừng thiêng", hay một "Tình yêu người lính trẻ" uyển chuyển, nhẹ nhàng, sâu lắng. Trong khi đó, Đoàn văn công Quân khu 2 để lại dấu ấn trong lòng khán giả với múa "Tắm suối" - hình ảnh những cô gái Thái với suối tóc mây đen nhánh óng ả giữa núi rừng Điện Biên, sự kết hợp giữa thiên nhiên hùng vĩ với người thiếu nữ mềm mại.

Từ Hà Giang xuôi dòng sông Hồng, với tác phẩm "Người mẹ sông Hồng", múa "Hồn quê", "Mắt ngọc Cô Tô", "Bạch Đằng Chi Lăng", Đoàn văn công Quân khu 3 mang tới Hội diễn bức tranh làng quê đồng bằng sông Hồng êm đềm, yên ả, với hình ảnh cây lúa nước và tình quân dân biển đảo thắm thiết, là món ăn tinh thần đặc biệt thu hút những khán giả thành phố mang tên Bác và gây xúc động mạnh mẽ đối với những cán bộ, chiến sĩ, những người xem gốc Bắc đang học tập, sinh sống, công tác tại miền Nam.

Văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long được Đoàn văn công Quân khu 9, Quân khu 7 gửi gắm vào những tác phẩm được dàn dựng công phu, hoành tránh như "Những bước chân thần tốc" - không khí hào hùng của Quân giải phóng miền Nam thời điểm tiến vào giải phóng Sài Gòn; đơn ca nữ "Người mẹ miền Đông" - một hình ảnh người mẹ cầm súng anh dũng quật cường… Hình ảnh đất miền Trung gió Lào, cát trắng và con người chịu thương chịu khó, nhiều đau thương trong chiến tranh và mỗi chiến công là một niềm tự hào được Đoàn văn công Quân khu 4 tái hiện gây xúc động ngay từ tên chủ đề "Lửa và hoa" cùng các tiết mục như "Người mẹ vá cờ", đơn ca "Một thời hoa lửa", "Chiều sông Lam", "Huyền thoại Trường Sơn”…

Hình ảnh người anh hùng bảo vệ Tổ quốc được Đoàn văn công BĐBP khắc họa rõ nét trong các tiết mục múa: "Chặng đường biên cương", "Ngày hội Biên phòng". Đặc biệt, tốp nữ múa "Rời miền hoang dã" tái hiện cuộc sống đồng bào Rục - một dân tộc ít người đang có nguy cơ tuyệt chủng, sống trong hang đá, rừng sâu, lạc hậu, được các chiến sĩ Biên phòng phát hiện và tạo dựng cho họ một cuộc sống mới với những ngôi nhà dưới mặt đất và kĩ thuật canh tác cây lúa nước. Hay hình ảnh những người lính Biên phòng hồn nhiên, yêu đời, luôn gắn bó, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc anh em trong cuộc sống, lao động sản xuất và chiến đấu đã để lại dấu ấn qua màn trình diễn độc tấu "Biên cương hội tụ"...

Một lòng hướng về biển đảo quê hương

26/126 tác phẩm, chiếm hơn 20% thời lượng Hội diễn là các tiết mục hướng về biển đảo quê hương với ý chí quật cường, một tình yêu tha thiết, đau đáu với phần máu thịt ngoài khơi xa của Tổ quốc. Trước hết, phải kể đến Đoàn văn công Hải quân với chủ đề "Lời thề lính biển", ca ngợi người chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với những ca khúc "Trống quân lính đảo", "Sức sống Trường Sa"... "Con đường huyền thoại" tái hiện những người lính Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa với chiếc thuyền gỗ, manh chiếu, 7 thanh gỗ và đoạn dây mây bó thân lúc hi sinh. Niềm xúc động dâng trào với hình ảnh con người nhỏ bé giữa trời biển mênh mông sóng nước, nhưng vẫn anh dũng quật cường, kiên cường chống trả mỗi khi có giặc xâm lăng bờ cõi và thiên nhiên hung dữ tàn phá. Bên cạnh sự hùng tráng, ca khúc "Biển và anh", "Tình em lưới nặng mặt trời" là nốt trầm đầy lãng mạn, nên thơ của người lính biển.

Tiết mục hát múa hướng về biển đảo quê hương.

Không chỉ Đoàn văn công Hải quân mà các Đoàn văn công đến từ các Quân khu, Quân chủng khác cũng hát và múa về biển đảo quê hương rất hay, dàn dựng công phu, đặc sắc. Màn hát múa "Nghiêng cánh chào đảo xa" của Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân ca ngợi những người phi công trẻ điều khiển máy bay xuyên mây, vượt gió, vượt bão giông bảo vệ vùng trời thân yêu của Tổ quốc. Nhạc phẩm "Nơi ấy là Trường Sa" của Đoàn văn công Quân khu 2 với ca từ thiết tha, âm nhạc da diết là lời nhắn nhủ của những người lính trẻ canh trời, giữ biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng…

"Cơ chế mở đã thu hút nhân tài tới Hội diễn"

Đó là nhận định của Đại tá Nguyễn Phương Diện - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Trưởng ban tổ chức Hội diễn, khi nói về điểm mới của Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2014, là đối tượng tham gia Hội diễn năm nay được mở rộng đối với những người đang công tác, học tập tại các trường nghệ thuật được sự đồng ý của nhà trường và nhu cầu của các Đoàn văn công. Với cơ chế mở, Hội diễn đã thu hút hơn 100 diễn viên đang học tập, công tác tại các trường nghệ thuật trong quân đội. Đây là chủ trương mở mang nhiều ý nghĩa, là sân chơi cho thế hệ trẻ tự khẳng định, thể hiện, trải nghiệm bản thân. Bên cạnh đó, tạo được nguồn diễn viên kế cận, nhất là diễn viên múa cho toàn quân và chấm dứt hoàn toàn việc thuê mướn người bên ngoài.

Ngoài ra, Ban tổ chức Hội diễn năm nay cũng quy định chặt chẽ và rõ ràng về số lượng người tham gia, thời lượng từng chương trình, bắt buộc các Đoàn văn công tận dụng hết nhân công, vật lực, thời gian, nỗ lực để có một đêm diễn hoành tráng với chất lượng nghệ thuật tốt nhất. Điều đặc biệt hơn, với sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, 100% diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công được may quân phục, trang phục biển diễn mới chính quy, chuyên nghiệp. Toàn Hội diễn như một vườn hoa đầy màu sắc và hừng hực khí thế.

Vũ Trang - Thanh Tâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-tu-tinh-hoa-nghe-thuat-cua-nguoi-linh/