Hội tụ công nghệ, kết nối giao thương trong ngành thủy sản

Nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, ngành hàng này đang đối mặt với nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối, xuất khẩu đòi hỏi phải có sự đổi mới. Và một trong những giải pháp hàng đầu là ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của Triển lãm quốc tế Ngành nuôi trồng thủy sản Aquaculture Vietnam 2019 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ...

Theo bà Rose Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án (khu vực Đông Nam Á) Informa Markets Asia, với lợi thế về địa lý, môi trường và nguồn nhân lực, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đã gặt hái nhiều thành công lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế cùng với các yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi người nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp tại Việt Nam phải không ngừng cải tiến và đổi mới phương thức sản xuất. Đồng thời, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thiết bị và giải pháp mới nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản, cắt giảm chi phí và bảo vệ môi trường…Với cam kết đồng hành và hỗ trợ cho sự phát triển ngành thủy sản Việt Nam, Informa Markets mong muốn giới thiệu các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, tạo ra một diễn đàn chuyên nghiệp nơi các chuyên gia, doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản có thể gặp gỡ, thảo luận, cùng hợp tác tìm ra giải pháp đưa ngành công nghiệp này lên tầm cao mới.

Hoạt động kết nối giao thương trong khuôn khổ triển lãm.

Hoạt động kết nối giao thương trong khuôn khổ triển lãm.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho biết: "Những năm gần đây, ngành thủy sản đã trải qua nhiều thăng trầm và đối mặt với những thách thức như tình hình thời tiết chuyển biến phức tạp, thiếu cơ sở hạ tầng, rào cản thị trường và công nghệ… gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong ngành. Do đó, việc phát triển các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, tối ưu hóa chi phí, xây dựng thương hiệu và tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến được xem là một trong những biện pháp chính giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành này". Từ thực tế này, Triển lãm thu hút hơn 100 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ giới thiệu, trưng bày hàng loạt sản phẩm, thiết bị và giải pháp tiên tiến cho ngành nuôi trồng và chế biến thức ăn thủy sản, sản xuất con giống, trong đó có các thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới như: Thăng Long, VLand, Phibro, Neovia, Inve, BRF Ingredients…

Ông Nguyễn Khắc Hải, đại diện Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long, chia sẻ: Đến với Triển lãm lần này, công ty mong muốn giới thiệu mô hình luân canh tôm biển, cá rô phi. Tôm biển (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Mùa vụ chính thả tôm từ tháng 4 cho tới tháng 10 hằng năm. Hầu hết người nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL sau mỗi vụ nuôi tôm, ao sẽ bỏ trống không tiếp tục đưa vào sản xuất trong một khoảng thời gian khá dài trước khi vào mùa chính của năm kế tiếp. Trước thực tế đó, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn cá rô phi là đối tượng được nuôi luân canh cùng với con tôm để tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Cá rô phi được lựa chọn vì có những ưu điểm vượt trội như: Tốc độ tăng trưởng nhanh; Có khả năng thích nghi tốt ở cả môi trường nước ngọt và lợ; Chất lượng thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao; Có khả năng cải tạo môi trường khi được nuôi ở mật độ thích hợp…

Bên cạnh hoạt động triển lãm thương mại, rất nhiều thông tin kiến thức và kinh nghiệm hữu ích như vấn đề đảm bảo dinh dưỡng trong thức ăn, quản lý dịch bệnh, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản… được các doanh nghiệp, chuyên gia trình bày, chia sẻ thông qua chuỗi hội thảo chuyên ngành với nhiều chủ đề khác nhau. Đơn cử như: Tiềm năng của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam - Cơ hội cho các nhà đầu tư; Mô hình ứng dụng công nghệ mới và xu hướng áp dụng tiêu chuẩn MSC trong phát triển bền vững nghề nghêu; Công nghệ dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản; Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu; Kiểm soát bệnh dịch và môi trường và vấn đề sử dụng Probiotic trong nuôi trồng thủy sản; Tình hình sản xuất và cung ứng giống nuôi thủy sản; Công nghệ chế biến sau thu hoạch và chất lượng sản xuất; Tình hình thương mại/thị trường và chuỗi giá trị/cung ứng - Truy xuất nguồn gốc và chứng nhận...

Theo Ban Tổ chức, Triển lãm quốc tế Ngành nuôi trồng thủy sản Aquaculture Vietnam 2019 quy tụ hàng 100 nhà cung cấp hàng đầu thế giới liên quan đến các lĩnh vực quản lý trang trại; đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh đến chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ hội để kết nối giữa các cá nhân, tổ chức từ nhiều quốc gia, tìm kiếm sản phẩm và đối tác mới cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/hoi-tu-cong-nghe-ket-noi-giao-thuong-trong-nganh-thuy-san-a114481.html