Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH toàn quốc: Phô diễn kỹ năng người lính trên thao trường

Ngày 20-7, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Đà Nẵng diễn ra Vòng chung kết toàn quốc Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH năm 2020. Hơn 500 vận động viên đến từ 23 đội tuyển của Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tham gia tranh tài.

Ngày 20-7, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Đà Nẵng diễn ra Vòng chung kết toàn quốc Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH năm 2020. Hơn 500 vận động viên đến từ 23 đội tuyển của Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tham gia tranh tài.

Ban tổ chức trao giải cho các đơn vị đạt thành tích cao.

Ban tổ chức trao giải cho các đơn vị đạt thành tích cao.

Các đội tạo ra những màn thi đấu sôi nổi, những pha bứt tốc vượt chướng ngại vật và chữa cháy, cứu người gay cấn.

23 đội xuất sắc tranh tài

Trước đó, Bộ Công an đã tổ chức thi vòng loại ở 11 khu vực với 140 đội tuyển tham gia và chọn ra 23 đội xuất sắc tham dự vòng chung kết. Các đội tuyển tranh tài ở 3 nội dung là: Chạy 100m vượt chướng ngại vật, cứu nạn, cứu hộ; chạy tiếp sức 4 x 100m cứu người và chữa cháy; đội hình máy bơm chữa cháy phun nước tiêu điểm.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết, Hội thi tổ chức nằm trong chương trình Đại hội khỏe Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Công an. Qua đó đánh giá năng lực, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các chiến sĩ. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để các đơn vị gặp gỡ, chia sẻ về nghiệp vụ với nhau. Từ đó, lính chữa cháy sẽ sử dụng thuần thục hơn các phương tiện, trang thiết bị, tiếp cận và dập lửa nhanh, hiệu quả hơn, giảm đi thiệt hại của đám cháy gây ra.

Năm nay, công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, ngoài cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi thì tổ trọng tài được hỗ trợ thêm camera ghi hình. Mọi khiếu nại, thắc mắc của các đội tuyển đều được giải quyết sát đáng bằng hình ảnh thực tế nên sự khách quan, công bằng được đánh giá cao. Sau buổi sáng tranh tài sôi nổi, đội tuyển TP Hồ Chí Minh xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn; đội tuyển Lâm Đồng giành giải Nhì toàn đoàn và đội tuyển Bạc Liêu giành giải Ba toàn đoàn. Đội tuyển của chủ nhà Đà Nẵng giành giải Ba nội dung thi 100m vượt chướng ngại vật cứu nạn, cứu hộ và đứng chung cuộc thứ Năm toàn đoàn.

Các vận động viên nỗ lực hết sức trong từng nội dung thi đấu.

"Hậu trường" đội Đà Nẵng

Năm nay, đội chủ nhà Đà Nẵng đã ra sức luyện tập xuyên suốt không mệt mỏi. Tuy có khoảng thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 nhưng với tinh thần quyết tâm, vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập, 13 vận động viên của đội tuyển Đà Nẵng đã luôn hoàn thành tốt giáo án mà ban huấn luyện đưa ra. Các vận động viên tham dự hội thao đều là những cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe, kỹ năng tốt nhất được lựa chọn từ hàng trăm chiến sĩ phòng cháy , chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) của CATP.

Hạ sĩ Đặng Trần Minh Quang (VĐV đội tuyển Đà Nẵng) lần đầu tiên tham gia đội tuyển khá bỡ ngỡ với những nội dung rèn luyện. "Tôi rất vinh dự được đứng trong hàng ngũ đội tuyển năm nay, trong quá trình tập luyện, tôi được phân công luyện tập nội dung chạy tiếp sức 4 x 100m cứu người và chữa cháy ở vị trí số 1, dù thời tiết khắc nghiệt, đôi lần bị chấn thương nhưng vì thành tích chung nên tôi luôn dặn lòng phải nỗ lực hết mình, cố gắng hơn nữa cùng các chiến sĩ vượt qua được chính bản thân cũng như thử thách của cuộc thi", Hạ sĩ Quang chia sẻ.

Với 3 nội dung thi đấu khác nhau, các vận động viên trong đội tuyển được phân công theo sở trường, năng lực, phần nào cũng có độ khó riêng nhưng khó nhất phải kể đến phần dập tắt khay xăng. Vừa áp lực thời gian, vừa phải thành thục kỹ thuật, các vận động viên phải tỉnh táo dùng bình chữa cháy dập tắt hoàn toàn ngọn lửa thì mới hoàn thành nhiệm vụ.

"Có đôi khi tưởng chừng như lửa đã được dập hẳn nhưng do khói che tầm nhìn, một phần do vội vàng nên sau đó lửa lại bùng lên. Đối với những trường hợp đó, vận động viên phải tiếp tục lấy bình khác để chữa cháy đến khi dập tắt hoàn toàn thì mới hoàn thành được phần thi của mình. Chỉ cần chặp nhịp thì số thời gian hoàn thành phần thi cũng sẽ bị kéo dài", Thiếu úy Hồ Minh Thắng (VĐV Đội tuyển Đà Nẵng) tâm sự.

Thông qua công tác huấn luyện của Huấn luyện viên đã giúp cho các vận động viên nâng cao thể lực, kỹ thuật cá nhân, sự khéo léo trong thao tác, kỹ năng, hoàn thành tốt các đội hình, các tuyến chạy đề ra. Trong quá trình huấn luyện, các vận động viên đã tham gia tập luyện tích cực, nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy, kỷ luật thao trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện trong suốt quá trình huấn luyện và kiểm tra.

Không còn bỡ ngỡ với các nội dung thi đấu, Thượng úy Hồ Công Hải Hà - Đội tuyển Đà Nẵng đã 3 lần tham gia chung kết hội thao PCCC & CNCH tâm sự: "Anh em vận động viên chúng tôi thường nói với nhau rằng, cái nghề chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và việc tham gia đội tuyển để cống hiến cho cái nghề này đó là đam mê, là nhiệt huyết. Dù có những lúc thấm đẫm nước mắt trong các cơn đau khi bị chấn thương hay là những ngày hè phải mặc áo mưa ra đường, chạy như thể bị ma đuổi, thế nhưng, chúng tôi vẫn chăm chỉ, hăng say luyện tập không chỉ để hoàn thành tốt cuộc thi mà qua đó, giúp các chiến sĩ nâng cao kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đạt hiệu quả".

Là người theo sát, động viên các vận động viên trong quá trình rèn luyện Thiếu tá Lê Văn Lưu - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: "Mặc dù phải tập luyện và thi đấu dưới thời tiết nắng nóng nhưng các vận động viên Đà Nẵng đều nhận thức đây chính là đợt rèn luyện kỹ năng chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng về cứu nạn, cứu hộ đáp ứng nhiệm vụ của lực lượng PCCC&CNCH trong tình hình mới. Qua cuộc thi các vận động viên của Đà Nẵng đã có dịp cọ sát, học hỏi các đội tuyển ở nhiều tỉnh thành để rút ra bài học kinh nghiệm cho những đợt thi tiếp theo".

MAI VINH - DIỆU HUYỀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_228304_hoi-thi-the-thao-nghiep-vu-chua-chay-va-cnch-toan-quoc-pho-dien-ky-nang-nguoi-linh-tren-thao-truong.aspx