Hội thảo về Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng ngày 2-7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Trung tâm phát triển truyền thông và sức khỏe đã phối hợp tổ chức hội thảo về Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã dự và chủ trì hội thảo.

Đồng chí Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo thạc sĩ Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, UBDT thông báo: Tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một số dân tộc thiểu số như người Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Mông, Rơ Mân, Pu Péo. Đặc biệt là dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu); Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang); Mông Xanh (Lào Cai) và Rơ Mân, B Râu (Kon Tum) thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có tới 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống và hơn 50% là tảo hôn. Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp gen lặn mang bệnh khiến những đứa con sinh ra mắc phải nhiều bệnh lý như tan máu bẩm sinh, mù màu, bạch tạng. Hay hậu quả của việc tảo hôn khiến các em gái khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện phải quan hệ tình dục, mang thai, nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ của người phụ nữ bị chậm lại, thoái hóa, thậm chí nhiều trường hợp tử vong. Hậu quả là những đứa con sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng, dễ mắc bệnh do người mẹ còn đang ở tuổi vị thành niên. Cũng theo báo cáo của Vụ Dân tộc thiểu số tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số sống tập trung ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa vẫn đang diễn biến khá phổ biến. Hệ lụy của tình trạng sẽ gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng cho cả gia đình, nòi giống, dòng họ và cả xã hội, là trở lực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Hội thảo cũng đã nghe một số tham luận của các đại biểu như tham luận về tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống dưới góc nhìn bình đăng giới của Vụ Dân tộc thiểu số; tham luận về vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội và các cộng đồng dân cư trong truyền thông; tham luận về tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống từ tiếp cận đói nghèo và một số tham luận của các đại biểu từ các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum. Hầu hết các tham luận này đều nêu lên thực trạng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang diễn ra tại một số địa bàn có dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương mình và nêu ra những khó khăn, thách thức và giải pháp tháo gỡ.

Kết thúc hội thảo, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT kết luận: Cùng với những chính sách chương trình nhằm nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến hoạt động nâng cao đời sống tinh thần ở khu vực khó khăn. Để giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đồng chí yêu cầu các cơ quan ban ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách bình đẳng giới cho cán bộ chủ chốt từ TW đến địa phương và các tổ chức chính trị xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đưa nội dung giáo dục Luật về hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số Luật Bình đẳng giới vào chương trình đào tạo. Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp, quy định, chính sách phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Cần xây dựng và phát triển mô hình can thiệp nhằm loại bỏ hoặc thay đổi tập quán lạc hậu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại một số cộng đồng dân tộc ít người….

M.A

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-thao-ve-thuc-trang-va-giai-phap-giam-thieu-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so/