HỘI THẢO VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỐ MỚI NỔI

Ngày 21/9, tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam 'Đại biểu dân cử với các vấn đề dân số mới nổi' nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu dân cử về thực trạng dân số Việt Nam sau Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, thực trạng mức sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận và đưa ra những kiến nghị liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số trong giai đoạn tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai chủ trì hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có: Thường trực Hội đồng Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu dân cử của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhà quản lý về dân số ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế báo cáo về các kết quả đạt được của công tác dân số trong thời gian qua như: tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019; Việt Nam khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) đề ra và được tiếp tục duy trì đến nay; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đã giảm.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu tại Hội thảo

Các nhà quản lý, các chuyên gia cũng chỉ rõ một số vấn đề dân số mới nổi và cần có những động thái về chính sách phù hợp để điều chỉnh. Cụ thể như: chỉ số già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; có sự khác biệt đáng kể về mức sinh giữa các địa phương và các vùng; các nhóm dân tộc; khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp, hơn 70% số người cao tuổi không có tích lũy vật chất, chưa đến 30% số người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội; bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại, gây tác động xấu đến đời sống xã hội; bộ máy làm công tác dân số tại địa phương lại thường xuyên có sự thay đổi, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu ý trong thời gian gần đây là: đại dịch Covid - 19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình nói riêng. Một nghiên cứu đã chỉ ra, đại dịch Covid - 19 có thể đẩy các thành tựu quốc gia về giảm tỷ lệ tử vong mẹ của Việt Nam lùi xuống 5 và 10 năm tùy theo từng các diễn biến dịch bệnh và ứng phó của quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số. Một là, cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW TW ngày 25.10.2017 công tác dân số trong tình hình mới, với mục tiêu trọng tâm là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Hai là, các địa phương cần triển khai xây dựng kế hoạch số 588/QĐ-TTg ngày 28.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48488