Hội thảo 'Văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp' khu vực phía nam

Ngày 5/6, tại Trường Cao đằng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo 'Văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp' khu vực miền nam.

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2020 có 100% cơ sở GDNN trên toàn quốc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định về quy tắc ứng xử do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, phù hợp với điều kiện, đặc trưng vùng miền và mỗi nhà trường; 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong giá đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Hội thảo lần này nhằm tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH trong việc thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" tại các cơ sở GDNN. Đồng thời,đánh giá thực trạng, kết quả triển khai công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ thực tiễn tại từng địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ý nghĩa quan trọng và thiết thực của hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Coi công tác này là nền tảng trong việc giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ cũng như hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nhiệt tình, trung thực, đoàn kết, sáng tạo.

Hiện nay, có nhiều cơ sở GDNN đã tổ chức thực hiện các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, chú trọng văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy, hầu hết học sinh sinh viên ứng xử có văn hóa, lễ phép, kính trọng người lớn tuổi, sống trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, hành vi ứng xử chuẩn mực… Tuy nhiên thời gian qua, ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng thiếu văn hóa ứng xử, vi phạm đạo đức, lối sống không lành mạnh bên cạnh những kết quả đã đạt được.

"Thông qua hội thảo này, chúng tôi muốn chia sẻ cùng với các cơ sở GDNN củng cố và phát triển văn hóa ứng xử, để làm cho hệ thống GDNN ngày càng phát triển vững chắc hơn. Đồng thời, cùng với các đại biểu tìm các ý tưởng để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở GDNN, góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển và hội nhập của đất nước, từng bước tạo dựng cộng đồng có nhìn nhận đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử", ông Khánh nhấn mạnh.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung như: Thực trạng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Giải pháp nâng cao văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở GDNN, cán bộ quản lý, nhà giáo về văn hóa ứng xử và Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

Đại diện một số đơn vị cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại buổi hội thảo

Đây lần đầu tiên, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ với các cơ sở GDNN củng cố và phát triển văn hóa ứng xử, tìm các ý tưởng để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở GDNN, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy các đại biểu cần phải tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề mà vai trò của các bên liên quan phải đảm nhiệm nhằm tạo lập, duy trì không gian, môi trường văn hóa, tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các thiết chế văn hóa trong nhà trường.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi cho hay, hiện nay, nhà trường cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh để nâng cao tính răn đe đồng thời cũng có chính sách khen thưởng kip thời để động viên, khuyến khích đối với những học sinh, sinh viên thực hiện tốt.

Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' vì đội ngũ nhà giáo phải thực sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách mới có thể có ảnh hưởng và tác động tốt tới học sinh, sinh viên".

Cũng tại Hội thảo, đại diện một số trường Cao đẳng nghề, Trung cấp và các cơ sở GDNN tại khu vực miền nam cũng trình bày tới các đại biểu một số bản tham luận về tình tình thực hiện văn hóa ứng xử và công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử tại các đơn vị.

Trước đó, ngày 22/5 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã tổ chức Hội thảo dành cho các cơ sở GDNN khu vực phía Bắc tại Hải Phòng. Dự kiến ngày 22/6, Hội thảo khu vực miền trung sẽ được tổ chức tại Phú Yên.

LÊ VIỆT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hoi-thao-van-hoa-ung-xu-trong-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-khu-vuc-phia-nam-20200605145245917.htm