Hội thảo 'Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu'

Sáng 3/11, Hội Dệt may thêu đan TP HCM phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương ) tổ chức Hội thảo 'Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu'.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và các ngành liên quan. Hội thảo đã tập trung thảo luận sâu về nhiều vấn để như: tình hình thế giới, ngành dệt may toàn cầu và triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và những năm tiếp theo; những điều chỉnh của chuỗi giá trị dệt may và các vấn đề đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh mới; dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam và cạnh tranh xuất khẩu dệt may, xác định những vấn đề của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới…

Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp có thể nhìn nhận đúng các vấn đề phát triển của ngành, những khó khăn, thách thức xuất khẩu dệt may năm 2018 và những năm sau cũng như các cơ hội phát triển từ hội nhập và sự thay đổi chuỗi giá trí toàn cầu do tiến bộ khoa học công nghệ đem lại; sự cần thiết của các chính sách của Chính phủ giúp các doanh nghiệp dệt may tận dụng các cơ hội phát triển.

Trong những năm qua, vai trò của ngành dệt may được khẳng định không chỉ ở phương diện xuất khẩu mà còn có những đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hộ. Ngoài ra, sự phát triển của ngành còn có sức lan tỏa đối với nhiều ngành nghề khác với tư cách là các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho ngành dệt may.

Quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, trong suốt hơn một thập kỷ qua, xuất khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong đó, dệt may là lĩnh vực luôn ghi được dấu ấn đầy ấn tượng. Năm 2016, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,8 tỷ USD, tăng 4,5% so với 2015.

Ông Phạm Tất Thắng đã bàn luận nhiều về triển vọng xuất khẩu 2018 và khả năng tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của dệt may Việt Nam và nhấn mạnh, để có thể hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm,, từng lô hàng của dệt may xuất khẩu cần phải thực hiện ngay những giải pháp “đi bằng hai chân” với nhiều biện pháp đồng bộ.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cũng đã trình bày tại Hội thảo tham luận với chủ đề: Con đường tơ lụa thế kỷ XXI. Theo ông Trần Thanh Hải, liệu dệt may Việt Nam sẽ ở đâu, có vai trò gì trong Con đường tơ lụa? Và Dệt may Việt Nam sẽ là thương nhân – người dẫn dắt và làm chủ con đường tơ lụa hay chỉ là “người dắt lạc đà” – một nhân tố tạo ra rất ít giá trị trên Con đường tơ lụa ấy? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may hiện nay.

Hội thảo cũng ghi nhận những sáng kiến, ý kiến đóng góp quý báu cho việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh mới của hội nhập và Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-thao-trien-vong-xuat-khau-det-may-nam-2018-va-tuong-lai-chuoi-gia-tri-toan-cau--8419-16.html