HỘI THẢO TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP GIỮA CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM – LÀO

Ngày 9/12, tại Nhà khách Quốc hội tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo Trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, quyết định dự án quan trọng của quốc gia. Hội thảo do Ủy ban kinh tế cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Mội trường của Quốc hội Lào tổ chức. UVTW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Mội trường của Quốc hội Lào Bounpone Sisoulath đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tại buổi hội thảo, Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lào chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc tổ chức 3 chức năng của Ủy ban này. Không chỉ là nghiên cứu và trình lên Quốc hội Lào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm… mà còn tham gia vào Quy hoạch đất đai quốc gia, nghiên cứu xem xét các dự án đầu tư quy mô lớn về điện lực, khoáng sản, giao thông… Đồng thời chỉ ra những thách thức trong ủy ban của mình, nhất là về thông tin, nhân sự và ngân sách, đưa ra các vấn đề mà ủy ban quan tâm, muốn xin ý kiến trao đổi tại hội thảo

Ông Maniso Samontri - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Lào, cho biết: Chúng tôi muốn biết trong nghiên cứu xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội Việt Nam có phương pháp và trình tự như thế nào? Vấn đề nào được nghiên cứu nhiều nhất trong thời gian qua? Cũng như là có việc xin miễn, giảm chỉ tiêu phát triển, thuế hay không? Các thành viên ủy ban tham gia như thế nào đối với các vấn đề trên?

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu Việt Nam không chỉ giải đáp những câu hỏi từ phía các đại biểu Lào, cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam về lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ và môi trường. Trong đó nhấn mạnh đến việc nghiên cứu các điều ước quốc tế để đảm bảo Luật, pháp lệnh phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo đường lối chủ động và tích cực, hội nhập, hợp tác quốc tế của Đảng và nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ: Những điều ước quốc tế này có tác động đến thể chế, pháp luật và công tác lập pháp của Quốc hội. Tôi lấy ví dụ khi tham gia WTO thì họ quy định, các ông làm gì thì làm, các luật phải được công bố 60 ngày trước khi có hiệu lực. Trước đây chúng ta thông qua là thực hiện luôn… Và rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải tính đến

Ngoài ra, các đại biểu còn thẳng thắn chỉ ra công tác lập pháp của cả 2 bên còn chưa có sự đón đầu và theo kịp Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những vấn đề, những lĩnh vực phát triển mới, những mô hình kinh doanh mới cho cuộc cách mạng 4.0 mang lại…còn thiếu khuôn khổ pháp lý điều chỉnh ở cấp Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội cho thí điểm theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc này đang đặt ra thách thức mới cho công tác lập pháp của Quốc hội./.

Mỹ Phượng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43351