Hội thảo tham vấn 'Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam'

Ngày 28/7/2020 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã tổ chức Hội thảo tham vấn 'Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam' trong khuôn khổ dự án của UNESCO thực hiện tại khu vực Đông Nam Á về 'Thúc đẩy kết nối và môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim'.

Ngày 28/7/2020 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” trong khuôn khổ dự án của UNESCO thực hiện tại khu vực Đông Nam Á về “Thúc đẩy kết nối và môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim”. Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tới tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu khai mạc

Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu khai mạc

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi các nhà làm phim, sản xuất phim, các nghệ sỹ điện ảnh và chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam cùng đại diện của Văn phòng UNESCO Hà Nội, đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoại tại Việt Nam, UBQG UNESCO Việt Nam, các cơ quan tham mưu, nghiên cứu và đào tạo điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số các cơ quan báo chí.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL phát biểu tại Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhận định nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng và đầy năng lượng với những tài năng nổi bật, những bối cảnh quay phim tuyệt vời và một thế hệ những người phụ nữ trẻ sáng tạo. UNESCO luôn ưu tiên hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vốn được coi là biện pháp trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước UNESCO 2005).

Toàn cảnh Hội thảo

Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết trong quá trình thực thi Công ước UNESCO 2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn năm 2030 nhằm đẩy nhanh việc xây dựng môi trường chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng bền vững của các ngành này tại Việt Nam, trong đó điện ảnh được coi là ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Trong bối cảnh Luật Điện ảnh của Việt Nam đang được nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà làm phim, kinh doanh điện ảnh và các bên liên quan cùng thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy sáng tạo, phát huy tiềm năng của nghệ sỹ, giải phóng mạnh mẽ sức sáng tạo, tận dụng tối đa mọi nguồn lực trong xã hội để điện ảnh Việt Nam có nhiều hơn nữa những tác phẩm giá trị và chất lượng cao, được công chúng đón nhận, đạt doanh thu trên thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, cần tăng cường huy động nỗ lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cùng chung tay xây dựng và quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam ở tầm khu vực và thế giới.

Trong các phiên thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi về cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam trong việc tiếp cận các quỹ, các nguồn tài trợ; các hình thức đào tạo điện ảnh tại Việt Nam; cũng như các quan điểm tiếp cận về giới trong lĩnh vực điện ảnh. Phát biểu bế mạc Hội thảo, Ông Michael Croft khẳng định các kiến nghị và đề xuất tại Hội thảo sẽ là những bước đi đầu tiên của Dự án nhằm triển khai các bước tiếp theo trong việc tác động chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nền điện ảnh tại Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày Báo cáo nghiên cứu về cơ hội và rào cản đối với các nhà làm phim Việt Nam

Bà Trần Hải Vân, Trưởng phòng Châu Âu, Cục Hợp tác quốc tế cung cấp một số thông tin về Quỹ Quốc tế về phát triển văn hóa (Quỹ IFCD) của Công ước 2005

Dự án “Thúc đẩy kết nối và môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” do UNESCO khởi xướng với sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ phát triển mạng lưới các nhà làm phim và các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên triển khai tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Dự án là một trong những hoạt động góp phần thực thi Công ước UNESCO 2005 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc như tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề mất cân bằng về giới trong ngành công nghiệp điện ảnh của khu vực, đồng thời khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và hợp tác giữa các nữ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Diễn viên điện ảnh Chiều Xuân phát biểu tại Hội thảo

Bà Vũ Thị Hồng Nga, Phó Chánh văn phòng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trần Hải Vân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoi-thao-tham-van-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-cua-cac-nha-lam-phim-viet-nam-2020072908353252.htm