Hội thảo tham vấn 'Báo cáo đánh giá An toàn nhà báo' ở Việt Nam

'Báo cáo An toàn nhà báo' đánh giá về tình hình an toàn tác nghiệp báo chí ở Việt Nam dựa trên bộ chỉ số An toàn nhà báo của UNESCO và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi An toàn nhà báo ở Việt Nam được tốt hơn.

Ngày 10/5/2019, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo tham vấn “Báo cáo An toàn nhà báo” do Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức với sự tham gia của hơn 50 đại biểu từ các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông, các trường đào tạo báo chí, Hội nhà báo trung ương và địa phương, các cơ quan nhà nước và các thành viên mạng lưới bảo vệ tác nghiệp trên cả nước.

Mục đích của hội thảo là đánh giá về tình hình an toàn tác nghiệp báo chí ở Việt Nam dựa trên bộ chỉ số An toàn nhà báo của UNESCO và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi An toàn nhà báo ở Việt Nam được tốt hơn.

Báo cáo đã nêu khá đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn nhà báo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà báo vẫn đang làm việc trong môi trường bị đe dọa, thậm chí nguy cơ bị giết hại. Theo nghiên cứu khảo sát của RED năm 2011 – 2018 và thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2017 thì đã có 135 vụ cản trở, tấn công nhà báo đang tác nghiệp.

Chuyên gia của RED, nhà báo Trần Quốc Hải trao đổi về Báo cáo đánh giá An toàn nhà báo với các đại biểu.

Chuyên gia của RED, nhà báo Trần Quốc Hải trao đổi về Báo cáo đánh giá An toàn nhà báo với các đại biểu.

Điều đáng nói là nhiều vụ việc rơi vào im lặng, không được xử lý đến cùng. Cụ thể, có khoảng 30% vụ việc không được xử lý theo quy trình pháp luật, rơi vào im lặng bởi hai bên tự thỏa thuận với nhau.

Hiện, trong bộ Luật hình sự và các luật có liên quan đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo, không có điều khoản trừng phạt riêng rẽ nào chỉ rõ trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của nhà báo, do đó phần lớn các hình thức trừng phạt chỉ ở mức độ phạt hành chính do cơ quan quản lý nhà nước thực thi. Luật hình sự hay Luật dân sự đều không có điều khoản riêng để xem xét xử phạt đối với hành vi xâm hại quyền tác nghiệp báo chí của nhà báo. Mới đây, Luật An ninh mạng (có hiệu lực 1/1/2019) cũng không có điều khoản phân biệt riêng đối tượng là nhà báo được bảo vệ trên mạng thông tin.

“Báo cáo đánh giá An toàn nhà báo” của RED đã cho thấy việc nâng cao năng lực cho nhà báo và các cơ quan thực thi pháp luật về an toàn nhà báo thì Việt Nam chưa xây dựng một bộ chỉ số đánh giá an toàn tác nghiệp báo chí để giúp các bên liên quan xác định các khía cạnh tiềm ẩn của các vấn đề an toàn của nhà báo và theo dõi bất kỳ thay đổi nào theo thời gian; xác định bối cảnh an toàn và trách nhiệm của các tác nhân khác nhau ở cấp quốc gia.

Các chỉ số có thể giúp lập bản đồ, đánh giá và tìm hiểu vấn đề, các hệ thống tại chỗ và các hành động được thực hiện bởi các bên liên quan và các tổ chức khác nhau liên quan đến việc thúc đẩy sự an toàn tác nghiệp của nhà báo và chống lại tình trạng không xử lý những hành vi vi phạm an toàn nhà báo ở cấp quốc gia. Việc sử dụng các chỉ số của UNESCO để đánh giá an toàn nhà báo trong bối cảnh Việt Nam cũng sẽ là công cụ thúc đẩy an toàn nhà báo.

Đa số các đại biểu nhận xét rằng Báo cáo của RED đã đề cập khá toàn diện các khía cạnh để đánh giá thực trạng an toàn nhà báo ở Việt Nam.

Ông Phan Hữu Minh – Trưởng ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam – cho biết: “Tôi đã đọc và thấy báo cáo này dược xây dựng công phu, khách quan. Nếu có thể nhấn mạnh số lượng báo chí, phát thanh truyền hình của Việt Nam và số người tham gia truyền thông (chuyên nghiệp, không chuyên) là rất lớn, nhưng tỷ lệ bị cản trở, hành hung là nhỏ bé”.

“Đến thời điểm này, những vi phạm về cản trở tác nghiệp vẫn nhiều và tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân của nó là do chúng ta có quá nhiều các cơ quan báo chí, phóng viên tác ngiệp với số lượng rất lớn và chất lượng của phóng viên về đạo đức và nghiệp vụ không đảm bảo như trước đây”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam – phát biểu tại hội thảo.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga – Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên, thành viên mạng lưới An toàn nhà báo – băn khoăn: “Tôi đề nghị đưa việc cơ quan chắc năng, tổ chức, đơn vị có chủ trương không cung cấp thông tin cho nhà báo vào một trong những loại hình cản trở, đe dọa nhà báo”.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga đề nghị đưa việc cơ quan chức năng, tổ chức, đơn vị có chủ trương không cung cấp thông tin cho nhà báo vào một trong những loại hình cản trở, đe dọa nhà báo.

Bà Hoàng Minh Nguyệt – nguyên Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – cho biết: “Việc thực hiện đánh giá này cho thấy RED rất chủ động trong việc kết nối và thực hiện các hoạt động mà UNESCO đã khởi xướng, góp phần vào việc Việt Nam tích cực tham gia vào thực hiện các chương trình và hành động của UNESCO nói chung và UN nói riêng. Điều này cho thấy rằng Việt Nam đã dần cập nhật, bắt kịp và hòa nhập với các xu thế chung trên thế giới trên lĩnh vực do UNESCO chủ trì, mặc dù có sự khác biệt về tình trạng sở hữu, cách thức, quan điểm về truyền thông giữa các nước”.

H.C

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/hoi-thao-tham-van-bao-cao-danh-gia-an-toan-nha-bao-o-viet-nam-21150