Hội thảo quốc tế về Phật hoàng Trần Nhân Tông: Sáng mãi tư tưởng khoan dung và hòa hợp

Sáng 6/12, nhân kỷ niệm 760 năm ngày sinh và 710 năm ngày nhập Niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hội thảo khoa học quốc tế 'Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa' đã diễn ra tại Yên Tử (Quảng Ninh) với sự tham dự của hơn 400 nhà khoa học trong và ngoài nước.

PGS TS Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.

Sự kết tụ, tập đại thành và thăng hoa của văn hóa Việt

Trong diễn văn khai mạc, PGS TS Nguyễn Kim Sơn- Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho rằng, tư tưởng Trần Nhân Tông mỗi lần tiếp cận lại nhìn thấy những ánh sáng mới và khẳng định hội thảo khoa học lần này mang nhiều ý nghĩa học thuật, văn hóa và tâm linh, nhằm làm gia tăng và sâu rộng thêm những hiểu biết về Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, “làm cho những giá trị sâu bền, tinh hoa của những tư tưởng đó tiếp tục tỏa chiếu vô lượng hào quang cho nhân quần và chúng sinh”.

PGS TS Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Trần Nhân Tông là vị hoàng đế để lại sự nghiệp chính trị lẫy lừng, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người nghệ sĩ lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa và là một lãnh tụ tôn giáo. Ông để lại nhiều dấu ấn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Ông cũng được các nước trong khu vực và trên thế giới biết tới ngay từ đương thời cho tới hiện tại và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng ngày càng lớn trong tương lai. Ở ông có sự kết tụ, tập đại thành và thăng hoa của văn hóa Việt, của Phật giáo và cả Tam giáo, của hào khí Đông A đương thời.

Ý thức tự cường của Phật giáo bản địa

Còn theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một bậc tiền nhân xuất chúng của dân tộc, một bậc chân tu liễu ngộ của Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định: “Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt, có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam”.

Phật giáo Trúc Lâm dưới sự lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát huy một cách toàn diện tư tưởng “Hòa Quang Đồng Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, tư tưởng Phật học của Phật hoàng Trần Nhân Tông được kế thừa và phát huy từ nguồn tuệ giác của các bậc thiền sư lỗi lạc đương thời. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng: Ngài đã giản lược phương pháp tu hành không câu nệ vào hình thức hay chấp trước vào văn tự, phát huy nội lực và định hướng cho người học Phật quay về tánh giác vốn thường hằng nơi mỗi con người, đó là “Bụt ở trong nhà, chẳng phải xa”, “Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; óc đã là tính sáng soi, mựa phải nhọc nhằn tìm về Cực Lạc”, đó là “Biết Chân Như, tin Bát Nhã, chớ cầu tìm Phật Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, tỏ vô vi, nào nhọc công kinh thiên Nam Bắc”.

Đại diện tiêu biểu của tinh thần hòa giải

Theo PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là người anh hùng dân tộc lãnh đạo toàn dân chống lại giặc Mông Thát, mà còn được đánh giá cao ở tầm vóc thực thi đường lối chính trị huệ dân kết hợp đức trị tích cực với tinh thần khoan giản an lạc, với tinh thần bồ tát cứu thế. “Ông phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết dân tộc với tinh thần nhân ái. Tư tưởng khoan dung và hòa hợp, nhân ái là ánh sáng vô lượng còn rạng tỏa mãi tới hôm nay và mai sau”- PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Cho rằng Phật hoàng Trần Nhân Tông được thế giới đánh giá là một đại diện tiêu biểu của tinh thần hòa giải, TS Bùi Hữu Dược lý giải: Hòa giải được tuân thủ quy trình từ tư tưởng tới hành động và kết quả trong cả cuộc đời và sự nghiệp Trần Nhân Tông. Đối với nhân dân lấy triết lý đạo Phật làm tư tưởng chủ đạo để cấu kết nhân tâm, vun bồi trí đức, cùng nhau xây dựng cuộc sống an lạc, cùng nhau chung sống. Đối với trong nước, tư tưởng hòa giải là nền tảng cốt lõi để tạo lên sức mạnh đoàn kết trong chống ngoại xâm, khi kết thúc chiến tranh thì thi hành chính sách đoàn kết hậu chiến. Đối với các nước lân bang, luôn thể hiện sự tôn trọng hòa bình, lấy hòa hiếu và sự tương trợ nhau để đối xử. Tư tưởng hòa giải của Trần Nhân Tông là sự kết tinh của tình thương người từ truyền thống Việt Nam với đức và trí của Phật giáo được thể hiện trong bối cảnh lịch sử hiện tại lúc bấy giờ.

* Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa” đã nhận được 150 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, chứng minh sự gia tăng ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm và tư tưởng Trần Nhân Tông vào đời sống thực tế. Hầu hết các tham luận đều khẳng định ở lĩnh vực nào Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đạt tới đỉnh cao của tài năng và trí tuệ trác việt thể hiện sự hào sảng nhưng đầy chất nhân văn của một bậc minh quân – bậc thiền sư xuất thế trong chốn nhân gian. Di sản mà Phật hoàng để lại càng đi sâu nghiên cứu càng thấy sáng hơn tầm vóc tư tưởng lớn, mà nói như PGS Nguyễn Kim Sơn, công cuộc nghiên cứu Trần Nhân Tông dường như mới bắt đầu.

Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/hoi-thao-quoc-te-ve-phat-hoang-tran-nhan-tong-sang-mai-tu-tuong-khoan-dung-va-hoa-hop-tintuc424635