Hội thảo quốc tế: Biển Đông là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn ở khu vực

220 đại biểu, trong đó có 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam đã dự hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tại TP. Đà Nẵng.

Các học giải trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong

Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức.

Ban Tổ chức hội thảo cho biết trong ngày 8/11, các đại biểu tập trung thảo luận theo 4 phiên với các chủ đề: “Biển Đông - Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương", “Biển Đông: 10 năm nhìn lại”, “Lập trường và yêu sách của các bên - Tiếp nối và điều chỉnh" và “Các nước lớn can dự hay không can dự”.

Hội thảo ghi nhận các ý kiến trao đổi của các học giả về bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương; đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị; tổng kết những thay đổi trên thực địa của khu vực Biển Đông và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan trong 10 năm qua.

Nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của khu vực Biển Đông, các học giả cho rằng Biển Đông là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn ở khu vực do nằm tại nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á-Âu ra đại dương.

Các học giả cho rằng nhìn từ góc độ học thuật, khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được hình thành từ lâu, nhưng cho tới cuối năm 2017, các nước trong khu vực mới dần xây dựng cách tiếp cận riêng và đưa ra chính sách xuất phát từ các mục tiêu riêng.

Theo đó, Ấn Độ đang tập trung vào chính sách cân bằng, ngăn chặn chiến lược; Nhật Bản quan tâm tới ý tưởng kết nối trên biển; ASEAN ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tính mở và bao trùm, thúc đẩy các nước nhỏ gắn kết với nhau, với vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi đó, Australia muốn thông qua chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường vị trí tại khu vực.

Các học giả cho rằng việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn nữa trong tương lai; các cơ chế của ASEAN như Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) có thể đóng vai trò chủ chốt trong ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EAS có thể ưu tiên tới hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Tổng kết, đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc.

Khu vực Biển Đông hiện thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản. Tranh chấp ở Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, do đó tác động mạnh mẽ tới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Về chính sách của các nước đối với vấn đề Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả đánh giá các nước giữ mức duy trì lập trường và có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016…

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/hoi-thao-quoc-te-bien-dong-la-diem-khoi-dau-cua-nhung-thay-doi-lon-o-khu-vuc/351630.vgp