Hội thảo nghiên cứu khôi phục Bến đá Kỳ Cùng trên mảnh đất Xứ Lạng

Ngày 29/5, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo nghiên cứu khôi phục Bến đá Kỳ Cùng.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu, nhà văn hóa; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh, phòng Văn hóa – Thông tin thành phố và người dân sinh sống xung quanh khu vực di tích.

Bến đá Kỳ Cùng nằm trong quần thể di tích đền Kỳ Cùng và cầu Kỳ Cùng tại địa điểm Khối 1, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Bến còn có tên Hán Nôm là Kỳ Cùng Thạch Độ. Theo tài liệu xưa ghi chép lại, đây chính là nơi diễn ra các hoạt động đưa tiễn, nghênh đón các đoàn Sứ bộ của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử bang giao giữa hai nước từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX bằng phương tiện thuyền bè qua sông. Đồng thời cũng là nơi tập trung các hoạt động giao thương của nhân dân trấn Lỵ Lạng Sơn lúc bấy giờ.

Bến đá Kỳ Cùng gắn với hình tượng con chó đá dùng để neo đậu thuyền bè được Đốc trấn Ngô Thì Sỹ xếp là một trong tám cảnh đẹp của Trấn doanh Lạng Sơn thế kỷ XVIII.

Năm 1993, di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Tuy nhiên, do tác động của các yếu tố thời gian, thời tiết và quá trình tu bổ một số hạng mục lân cận như đền Kỳ Cùng, cầu Kỳ Cùng… nên hiện nay, bến đá Kỳ Cùng và hình tượng con chó đá không còn. Vì vậy, việc khôi phục bến đá Kỳ Cùng và hình tượng con chó đá là hết sức cần thiết, góp phần khai thác hiệu quả du lịch tâm linh, đồng thời giúp cho nhân dân hiểu được ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của di tích.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều tham luận cũng như ý kiến tập trung vào một số nội dung như: thống nhất về tên gọi của bến đá; vị trí khôi phục bến đá; ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa tâm linh của hình tượng con chó đá, cũng như việc khôi phục hình tượng con chó đá với chất liệu, kích thước, hình dáng phù hợp với không gian văn hóa và giống với nguyên mẫu; vị trí đường lên xuống bến đá; phương án bổ sung con rồng đá, rùa đá cho phù hợp với phong thủy và văn hóa tâm linh…

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu là dữ liệu, cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo trong việc phục dựng lại di tích. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tâm linh trên địa bàn, góp phần đưa bến đá Kỳ Cùng trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh./.

Theo baolangson.vn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoi-thao-nghien-cuu-khoi-phuc-ben-da-ky-cung-tren-manh-dat-xu-lang-20190530151805171.htm