Hội thảo nâng cao chất lượng truyền thông về nghề công tác xã hội

Ngày 24/11 tại TP Hải Phòng, Tạp chí Lao động - Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp tổ chức Hội thảo 'Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) với người có vấn đề sức khỏe tâm thần'.

TS. Nguyễn Văn Hồi thông tin tại Hội thảo. Ảnh: KT

TS. Nguyễn Văn Hồi thông tin tại Hội thảo. Ảnh: KT

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…

Quang cảnh hội thảo.Ảnh: KT

Ngày 22/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020.

LĐTB&XH và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai vào 5 nhóm công việc chính là: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; phát triển nguồn nhân lực; truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và PHCN cho người tâm thần và hợp tác quốc tế.

Đến nay, đã 100% tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2016-2020. Một số tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các tổ chức để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã có bước chuyển biến tích cực.

Cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đã từng bước được củng cố và phát triển. Đến nay, 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, tỷ lệ đầu tư đạt 70% so với quy hoạch; có 7/26 tỉnh, thành phố được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, tỷ lệ đầu tư đạt 30% so với quy hoạch; có 05/10 tỉnh, thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; tỷ lệ thí điểm mô hình đạt 50% so với quy hoạch.

Các trung tâm đã bước đầu tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ theo hướng PHCN luân phiên, hỗ trợ PHCN cho đối tượng dựa vào cộng đồng, quản lý trường hợp, tổ chức các dịch vụ vụ lao động trị liệu, trị liệu tâm lý.

TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động - Xã hội cho biết: Vai trò của báo chí đối với lĩnh vực sức khỏe tâm thần hết sức quan trọng, đòi hỏi người viết phải có trái tim và cách nhìn đúng đắn, có sự chia sẻ, đồng cảm để từ tác phẩm làm cho con người có thể được chia sẻ, thoát ra những vẫn đề tinh thần đang mắc phải trong cuộc sống.

Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người nhà bệnh nhân tâm thần và các đối tượng thụ hưởng đã bước đầu hiểu hơn về nghề CTXH trong chăm sóc và trợ giúp người có vấn đề sức khỏe về tâm thần, từ đó nâng cao hiểu biết để sẻ chia và chăm sóc tốt hơn người bệnh. Đồng thời cũng giúp ngành y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh tâm thần có các biện pháp điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tốt hơn. Báo chí ngày càng gần gũi hơn với ngành LĐTB&XH.

Cũng theo TS. Trần Ngọc Diễn, để nâng cao năng lực và nhận thức về CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, bên cạnh việc đào tạo một đội ngũ CTXH chuyên sâu về lĩnh vực này; tổ chức tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về CTXH trong điều trị các dạng rối nhiễu tâm trí hay gặp ở Việt Nam như bệnh tâm thần phân liệt, stress, trầm cảm, thì việc đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển CTXH đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về lĩnh vực này là rất cần thiết, trong đó báo chí giữ vai trò trung tâm.

TS. Trần Ngọc Diễn đề xuất: Các cơ quan báo chí trong chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường thời lượng và tần suất thông tin và truyền thông về phát triển CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trên tất cả các loại hình, từ báo in, báo nói, báo hình đến báo điện tử; nội dung tuyên truyền trên cần hướng vào việc phổ biến pháp luật, chính sách về sức khỏe tâm thần; cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ dự phòng, kiểm soát rối loạn tâm thần, khám, phát hiện, chẩn đoán, đến điều trị, phục hồi chức năng, quản lý rối loạn tâm thần cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến các đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, nhân viên y tế, nhân viên CTXH và cán bộ truyền thông; đặc biệt, cần phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, niềm vui và nỗi vất vả của những người làm CTXH trong lĩnh vực này; có kỹ năng truyền thông phù hợp, đánh giá được tác động của thông tin để tránh gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt trong xã hội, tránh mặc cảm, kỳ thị đối với các rối loạn tâm thần và người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại cộng đồng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước về nghề CTXH (cụ thể là Cục Bảo trợ Xã hội) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục nhân rộng các mô hình tuyên truyền có hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo, tập huấn, các chuyến đi thực tế cho đội ngũ phóng viên để họ nắm được các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, từ đó mới có thể tuyên truyền chuyên sâu hơn về lĩnh vực này.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức các giải báo chí viết về đề tài CTXH trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho người có vấn đề về sức khỏe về tâm thần ở quy mô lớn, rộng khắp hơn nhằm khuyến khích các cơ quan báo chí, các nhà báo và những người làm báo không chuyên, các nhân viên CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở y tế cùng vào cuộc tham gia viết về đề tài này, tạo thành chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Bên cạnh tuyên truyền trên báo chí, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác giáo dục về sức khỏe tâm thần trong trường học; xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục về sức khỏe tâm thần phù hợp với các cấp học, bậc học. Thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng phù hợp với điều kiện địa phương và các nhóm dân cư, bao gồm các mô hình trường học nâng cao chăm sóc sức khỏe tâm thần, nơi làm việc khỏe mạnh, gia đình khỏe mạnh, cộng đồng và thành phố khỏe mạnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua cán bộ của các tổ chức xã hội và nhân viên các nhà thuốc vì họ là người có thể tiếp xúc với những người có có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở cộng đồng.

Kim Thành

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/hoi-thao-nang-cao-chat-luong-truyen-thong-ve-nghe-cong-tac-xa-hoi_t114c1159n127437