Hội thảo khởi động Dự án 'Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam'

Sáng 24/5/2018, Hội thảo khởi động Dự án 'Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam' đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), các Sở Công Thương và các thành viên Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay nhưng phần lớn các giải pháp giúp tiếm kiệm và nâng cao hiệu quả mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý và giải pháp không yêu cầu đầu tư hoặc yêu cầu mức đầu tư thấp. Việc thực hiện các giải pháp yêu cầu mức đầu tư lớn hoặc chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất hạn chế do các doanh nghiệp công nghiệp thiếu nguồn lực về tài chính. Muốn thực hiện được, các doanh nghiệp bắt buộc phải tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vay từ khu vực ngân hàng thương mại lại không dễ dàng do các ngân hàng thiếu kiến thức kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng, các dự án này thường bị đánh giá là có độ rủi ro cao.

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước phát triển, các công ty dịch vụ năng lượng (được gọi là ESCO) như là các tổ chức kết nối giữa các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp. Mô hình ESCO đã trở thành mô hình kinh doanh thành công trong linh vực tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng. Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh này còn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển với 14 công ty dịch vụ năng lượng, trong đó chỉ có một số rất ít có vị trí trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang chia sẻ, theo khảo sát của Dự án "Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp" của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương, có ba rào cản đang cản trở sự phát triển của các công ty dịch vụ năng lượng: (i) Thiếu các hỗ trợ/khuyến khích tài chính thích hợp đối việc phát triển và thực hiện dự án Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng; (ii) Các doanh nghiệp công nghiệp ít quan tâm đến đầu tư về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng; (iii) Thiếu khung pháp lý, đặc biệt là đối với loại hình hợp đồng thực hiện theo kết quả tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng (hợp đồng EPC).

Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam" của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA trị giá 1,9 triệu USD là một hoạt động phối hợp với dự án "Hiệu quả Năng lượng cho Doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam" (VEEIEs) của Ngân hàng Thế giới Việt Nam cho vay 100 triệu US$ để giúp các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tưu cho tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng thông qua thúc đẩy sự phát triển của các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và tạo môi trường thuận lợi cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng tiếp cận với các nguồn tài chính.

Dự án gồm 03 Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật: (1) Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; (2) Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; (3) Hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.

Tại Hội thảo, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã giới thiệu cụ thể kế hoạch thực hiện của Dự án. Theo đó, các cấu phần của Dự án gồm:

(i) Nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức: tháng 6/2018.

(ii) Xác định các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua kiểm toán năng lượng: giai đoạn tháng 7 đến tháng 12 năm 2018.

(iii) Hỗ trợ thực hiện đầu tư và tài chính: giai đoạn tháng 12/2018 đến tháng 12/2019.

Tin: Hồng Hạnh

Ảnh: Hoàng Tú

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-thao-khoi-%C4%91ong-du-an-tiet-kiem-nang-luong-trong-nganh-cong-nghiep-viet-nam--12023-2401.html