Hội thảo khoa học về quần đảo Hoàng Sa

Sáng nay ngày 12/1, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) diễn ra Hội thảo khoa học Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức.

Cuộc hội thảo lần này sẽ góp thêm một bước tiến mới trong việc nghiên cứu về quận đảo Hoàng Sa, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo Việt Nam nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là dịp tưởng nhớ 45 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ngày 19/1/1974).

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, tham dự hội thảo tại Nhà trung bày Hoàng Sa Đà Nẵng sáng 12/1 . Ảnh V.H

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, tham dự hội thảo tại Nhà trung bày Hoàng Sa Đà Nẵng sáng 12/1 . Ảnh V.H

Hội thảo có sự góp mặt của 70 chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý liên quan tham dự với 25 tham luận xoay quanh ba chủ đề: Những nội dung cơ bản liên quan đến chiến lược biển, đảo Việt Nam; Tiếp tục công bố những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng; và Nghiên cứu thực trạng và các giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

TS. Trần Công Trục nguyên trưởng ban biên giới chính phủ chủ trì hội thảo. Ảnh V.H

Trong những năm qua, vấn đề nghiên cứu về biển, đảo Việt Nam trên biển Đông nói chung, đối với các quần đảo Hoàng Sa nói riêng được các nhà khoa học và người dân hết sức quan tâm, vì thế có rất nhiều công trình nghiên cứu về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông đã góp phần cung cấp thêm các cơ sở khoa học về thực tiễn phục vụ cho công tác giáo dục tuyên truyền về biển đảo Việt Nam nói chung và Hoàng Sa nói riêng.

Ý kiến tham luận tại Hội thảo - ảnh V.H

Có thể nói cho đến nay những nghiên cứu về Biển Đông tương đối nhiều, tư liệu về Hoàng Sa cũng phong phú. Tuy nhiên việc truyền thông giáo dục thiết thực hiệu quả về Hoàng Sa đến với nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau vẫn là vấn đề cấp thiết, cần được tổ chức mạnh mẽ, sâu rộng và liên tục hơn.

Chính vì vậy, vấn đề nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay không đơn thuần là chủ đề của cuộc hội thảo mà còn là vấn đề trăn trở để làm sao nhận thức sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ quyền của Việt Nam tại quận đảo Hoàng Sa.

Ts. Nguyễn Thanh Minh (Bộ tư lệnh cảnh sát biển VN) phát biểu tại hội thảo. Ảnh V.H.

UBND huyện Hoàng Sa cho biết mong muốn nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến cũng như các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về xây dựng cột mốc, biểu tượng về Hoàng Sa để khi mỗi du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng ghé thăm Nhà Trưng bày Hoàng Sa có thể nhìn thấy những bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Phạm Văn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hoi-thao-khoa-hoc-ve-quan-dao-hoang-sa-1366440.tpo