Hội thảo khoa học 'Thân thế, sự nghiệp thiền sư Nguyễn Minh Không'

Sáng 6/9, UBND tỉnh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học 'Thân thế, sự nghiệp thiền sư Nguyễn Minh Không'.

Quảng cảnh hội thảo.

Tới dự hội thảo có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành lịch sử văn hóa Trung ương và của tỉnh.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chào mừng các đại biểu đã về dự Hội thảo. Đồng thời khẳng định: Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh, làm rõ thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Đây cũng là dịp để Ninh Bình tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, về quê hương, từ đó bồi dưỡng thêm tình yêu, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân.

Đồng chí mong muốn cuộc hội thảo này sẽ tập trung lý giải, làm rõ thêm thân thế, sự nghiệp cùng những câu chuyện, những huyền tích, huyền thoại về Thiền sư, xác lập những cơ sở dữ liệu khoa học tin cậy để khẳng định vai trò, công lao đóng góp của ông về văn hóa, phật học, y học, và cho sự Hưng thịnh của đất nước lúc bấy giờ.

Đồng thời mở thêm các hướng tiếp cận khác nhau để nhận diện, làm rõ các vấn đề của lịch sử văn hóa dân tộc, lịch sử vùng đất Ninh Bình, trên cơ sở đó, có căn cứ khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay, thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với Thiền sư Nguyễn Minh Không trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, Thiền sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, sinh quán tại làng Đàm Xá, phủ Tràng An nay là làng Điềm Xá, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn. Đây là một nhân vật gắn liền với lịch sử và huyền thoại, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Nguyễn, được triều Lý phong là Lý Quốc Sư, chức vụ cao nhất trong hệ thống tăng quan thời Lý.

Hội thảo đã nhận được hơn 30 bài tham luận là các công trình nghiên cứu công phu của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong cả nước và tỉnh Ninh Bình. Các ý kiến tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc, làm rõ 3 nhóm vấn đề quan trọng: thân thế của thiền sư Nguyễn Minh Không và bối cảnh văn hóa xã hội Đại Việt thời Lý; những đóng góp và ảnh hưởng của thiền sư; nhận diện, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa gắn với Thiền sư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, đáp ứng mục tiêu của hội thảo, nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi để đi đến nhận thức mang tính nền tảng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của thiền sư.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: hội thảo đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội thảo, Ban tổ chức tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu thành sách kỉ yếu hội thảo, phối hợp làm phim tài liệu, qua đó giúp cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học trong tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những mô hình, giải pháp cụ thể có tính khả thi phục vụ phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, kinh tế xã hội; cung cấp thêm tư liệu, phục vụ công tác biên tập các tài liệu tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp thiền sư Nguyễn Minh Không, về vị trí, vai trò và những đóng góp của ông đối với đất nước. Các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thành lập Trung tâm nghiên cứu về thiền sư Nguyễn Minh Không.

Trên cơ sở thành công của các hội thảo đã tổ chức trước đây và hội thảo này, đề nghị các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Sở Văn hóa và thể thao tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, tổ chức các hội thảo tiếp theo để đánh giá sâu sắc, toàn diện, khoa học về các vấn đề lịch sử của đất và người Ninh Bình, góp phần cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghiên cứu khoa học của tỉnh Ninh Bình nói riêng và đất nước nói chung.

Đào Duy- Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-than-the-sy-nghiep-thien-su-nguyen-minh-khong-20190906021516865p12c16.htm