Hội thảo khoa học 'Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn'

Nhằm góp phần khẳng định thêm giá trị của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ngày 24-11, tại thị xã An Khê, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn'.

Nhằm góp phần khẳng định thêm giá trị của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ngày 24-11, tại thị xã An Khê, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn". Tham gia Hội thảo có Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ thông tấn, Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Hội thảo Khoa học "Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn".

Tây Sơn thượng đạo là tên gọi chỉ vùng đất nằm phía trên đèo An Khê. Tây Sơn thượng đạo là khu vực khá rộng lớn, bao gồm toàn bộ địa giới huyện An Khê cũ (nay là thị xã An Khê và các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro của tỉnh Gia Lai). Do có địa thế hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo nối với vùng Tây Sơn hạ đạo (Tây Sơn, Bình Định) nên nơi đây từng được nghĩa quân chọn làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo vào cuối thế kỷ XVIII. Miền đất An Khê xưa (ngày nay bao gồm thị xã An Khê và các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro của tỉnh Gia Lai) được chọn làm một trong những điểm tựa ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Những địa danh như Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu, Hòn Bình, Hòn Nhược, Gò Kho, Xóm Ké... đã trở thành niềm tự hào của người dân An Khê nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung...

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, mục đích hội thảo hướng tới là trên cơ sở nhận thức khoa học về Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn tiến hành bàn thảo, giải bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững đô thị An Khê; sức trường tồn của Tây Sơn thượng đạo, truyền thống đoàn kết Kinh - Thượng, các di sản vật thể, phi vật thể..., đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa bền vững ở thị xã An Khê ngày nay.

Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991, gồm 6 cụm di tích như: Cụm di tích An Khê đình; cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké; cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy... Hàng năm, tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung hay Lễ hội cầu huê trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo...

An Khê Trường - nơi thờ tự 3 anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ
tại vùng Tây Sơn thượng đạo.

Tại Hội thảo, ngoài những bài tham luận về Khởi nghĩa Tây Sơn, vai trò của vùng Tây Sơn thượng đạo trong cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tây Sơn thượng đạo đã được các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương tỉnh Gia Lai chú trọng. Đặc biệt, trong báo cáo khoa học tóm tắt của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam trong kết quả nghiên cứu bước đầu một số di tích Tây Sơn thượng đạo đã hé lộ ra nhiều thông tin mới, nhận thức mới về hệ thống các di tích Tây Sơn thượng đạo. Sử dụng các biện pháp nghiên cứu, sử dụng không ảnh từ thiết bị bay, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đã xác định bờ lũy An Khê, cho thấy phạm vi lũy rộng lớn, khoảng 35.000m2 nơi có thể chứa khoảng 3.000 người. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát của nhóm nghiên cứu tại di chỉ cánh đồng Cô Hầu và Vườn Cam (tại H. Kbang) đã phát hiện nhiều các di vật như: đồ gốm, bếp lửa, gò đống chôn voi, công cụ và vũ khí bằng sắt thể hiện dấu tích của người Ba Na và nghĩa quân Tây Sơn. Tại Lũy trên núi Ông Bình, nhóm nghiên cứu cũng đã xác định tại khu vực này có thành lũy nhân tạo rộng khoảng 6m, cao trên 10m...

Bên cạnh đó, một số bài tham luận của các nhà nghiên cứu như: Giáo sư Andrew Hardy (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp): "Đường quan, đường núi và trường lũy ở Quảng Ngãi - Bình Định, thể kỷ XIX", "Tìm lại dấu tích lũy cũ An Khê" của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, "Khảo cổ học vùng Tây Sơn thượng đạo: Những giá trị lịch sử và văn hóa nổi bật" của nhóm PGS.TS Nguyễn Khắc Sử... đã mở ra nhiều điểm nhìn mới trong vấn đề nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của các di chỉ Tây Sơn thượng đạo. Đặc biệt, qua cuộc khảo cổ của nhóm PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đã phát hiện nơi đây còn có các di tích sơ kỳ Đá cũ có tuổi 80 vạn năm trước, minh chứng An Khê là cái nôi của nhân loại, quê hương đầu tiên của con người thuở bình minh của lịch sử dân tộc.

Tại Hội thảo, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Với những ý kiến đóng góp xác đáng, luận cứ khoa học chặt chẽ để cùng chia sẻ, đồng hành với tỉnh Gia Lai và TX An Khê trong việc tiếp cận và giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vào phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện và hiệu quả nhất. Trên cơ sở kết quả của hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp thu và có những biện pháp hữu hiệu trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích". Tỉnh Gia Lai cũng gợi mở những vấn đề về việc đánh giá, quy hoạch phát triển quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, tạo điểm nhấn du lịch ở Gia Lai trong thời gian tới.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_175581_ho-i-tha-o-khoa-ho-c-tay-son-thuo-ng-da-o-trong-kh.aspx