Hội thảo khoa học quốc tế Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa

Ngày 6-12, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế 'Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa'.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.

NDĐT - Ngày 6-12, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.

Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, nhân Kỷ niệm 760 năm Ngày sinh và 710 năm Ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hội thảo nhằm tiếp tục tập hợp, thảo luận, xác minh, luận giải; nhận định, đánh giá về đặc sắc văn hóa, tư tưởng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm sâu sắc hơn, xứng tầm hơn trên tinh thần khách quan, khoa học. Đặc biệt, những vấn đề này cần được chia sẻ, trao đổi và thảo luận tại diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, hội thảo kỷ niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông năm nay so với những đợt kỷ niệm trước có nhiều điểm mới. Trước hết là sự gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng Trúc Lâm và Phật giáo Trần Nhân Tông vào đời sống thực tế, cả sự hiện hữu vật thể và phi vật thể, từ bắc tới nam, cả trong và ngoài nước. Có thêm vô số người hướng tâm tới Phật Hoàng, có sự khai triển mạnh hơn tinh thần nhập thế của Phật giáo, bằng con đường tu thập thiện giản dị nhằm giải quyết các vấn đề của con người. Thời điểm này có thêm đội ngũ hùng hậu những nhà tu hành, nhà nghiên cứu, các cư sĩ… đang từng ngày phát huy tư tưởng và phương pháp Thiền của Ngài.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sự ra đời và phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm, một tổ chức giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, cùng với sự hiện diện của ba vị Tổ sư người Việt, đó là Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang, đã tạo cho Phật giáo Trúc Lâm trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần độc đáo của dân tộc Việt.

Vua Trần Nhân Tông đã có những đóng góp to lớn về mặt tư tưởng và văn hóa cho sự phát triển của dân tộc, là một bậc chân tu liễu ngộ của Phật giáo Việt Nam, mang đậm những giá trị nhân bản, nhân văn cao quý, giúp cho hàng Tăng lữ hậu học ứng dụng những tinh hoa tư tưởng Phật học của Ngài vào đời sống thực tiễn, từ đó nâng cao Phật chất trong các hoạt động Phật sự, góp phần phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Tại hội thảo, nhiều học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế đã đi sâu phân tích tính tư tưởng và văn hóa của Trần Nhân Tông-bậc tiền nhân xuất chúng của dân tộc Việt Nam, một bậc chân tu liễu ngộ của Phật giáo Việt Nam. Nhiều tham luận có tính nghiên cứu sâu và tâm huyết đến từ các đại biểu quốc tế như Tiến sĩ Shashi Bala (Đại học New Delhi, Ấn Độ); Tiến sĩ Kim Seong Beom (Đại học Dong Shin, Hàn Quốc); Giáo sư Hứa Văn Đường (Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan, Trung Quốc); Tiến sĩ Evgenii Vlasov (Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Nga)…

Hội thảo chính thức diễn ra trong ba ngày, từ ngày 5 đến ngày 7-12, tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, Yên Tử, Quảng Ninh. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, các đại biểu và nhà khoa học đã tham gia chương trình Đại lễ kỷ niệm 710 ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308- 2018) do Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Cung Trúc Lâm , xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38486002-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-tran-nhan-tong-va-phat-giao-truc-lam-dac-sac-tu-tuong-van-hoa.html