Hội thảo khoa học quốc tế 'Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh'

Ngày 19/10/2016 tại Hà Nội, Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) và Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) đã phối hợp tổ chức

Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông quốc tế và Việt Nam. Hội thảo nhằm phân tích về tầm nhìn ASEAN và những thách thức, cơ hội mới cho nền báo chí mỗi quốc gia và cả khu vực.

Hội thảo diễn ra với hai phiên chính theo các chủ đề: “Báo chí ASEAN- Những sắc thái tương đồng và khác biệt” và “Những thách thức và cơ hội hợp tác”. Báo chí ở các quốc gia ASEAN xuất hiện sau các nước phương Tây hàng thế kỷ nên chưa có ngành công nghiệp truyền thông phát triển mạnh. Tuy nhiên, với nỗ lực không mệt mỏi, ngày 11/3/1975, lần đầu tiên các nhà báo từ các nước ASEAN đã gặp mặt và tuyên bố thành lập Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), trong đó Việt Nam chính thức trở thành thành viên của CAJ vào năm 1995.

Quang cảnh Hội thảo- Báo chí ASEAN- Những góc nhìn so sánh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi- Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Liên đoàn các nhà báo ASEAN đã thông qua quy tắc về đạo đức báo chí khẳng định các giá trị tổng quát và đặc thù, đề cao tính nhân văn, nhấn mạnh trách nhiệm và lương tâm của người làm báo, phấn đấu vì sự công bằng cho xã hội, vì tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc. Mục đích cao nhất của Liên đoàn các nhà báo ASEAN là thúc đẩy môi trường hòa bình vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật một số vấn đề như: Quá trình hình thành và phát triển của báo chí ASEAN, sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, sự tiếp nối giữa truyền thống với tương lai; định vị những nét tương đồng và những sắc thái khác biệt cơ bản giữa báo chí các nước; phân tích về tầm nhìn ASEAN và những thách thức cơ hội mới cho nền báo chí mỗi quốc gia và cả khu vực; phác thảo về những ý tưởng, mục tiêu và phương thức hoạt động để báo chí toàn khu vực ASEAN phát triển ở tầm cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Ông Hồ Quang Lợi- Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN phát biểu tại hội thảo.

Trong sự nghiệp phát triển ở mỗi quốc gia ASEAN, vai trò của báo chí hết sức quan trọng. Báo chí không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội mà còn là cầu nối giữa nhà nước, chính quyền và nhân dân cũng như góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, trên thế giới.

Hội thảo đi tới khẳng định trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình và phát triển, nhất là bảo đảm về an ninh, an toàn, tự do hàng hải, để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển rất cần có vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn các nhà báo ASEAN, của báo chí các nước ASEAN trong việc tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cũng như đề cao công lý trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ hợp tác quốc tế.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhà báo ASEAN cần tăng cường hơn nữa thông tin về sự phát triển của ASEAN, tầm nhìn ASEAN đến năm 2020, những thách thức và cơ hội… để nâng cao hiểu biết của người dân trong khu vực và khích lệ sự đóng góp của người dân hướng tới một cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển và thịnh vượng.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-bao-chi-asean-nhung-goc-nhin-so-sanh/