Hội thảo khoa học 'Đức giáo tông Phan Văn Tòng - một tấm gương tốt đời, đẹp đạo'

Sáng 3/10, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Ban Thường trực Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên tổ chức Hội thảo khoa học 'Đức giáo tông Phan Văn Tòng - một tấm gương tốt đời, đẹp đạo'.

Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực phía Nam, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và đông đảo các nhà khoa học, các vị chức sắc Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cùng đại diện gia đình Đức Giáo tông Phan Văn Tòng.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: QC

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo khoa học "Đức giáo tông Phan Văn Tòng - một tấm gương tốt đời, đẹp đạo” nhằm làm rõ, khẳng định và tôn vinh những cống hiến của Đức Giáo tông Phan Văn Tòng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; góp phần sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của ông với Đạo Cao Đài Tiên Thiên. Qua đó góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là đồng bào có đạo trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo đã nhận được 56 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tín đồ của đạo Cao Đài Tiên Thiên trong và ngoài tỉnh và đã chọn ra 41 bài để in thành tài liệu hội thảo xoay quanh các vấn đề, như: Truyền thống yêu nước yêu quê hương, gia đình đã nuôi dưỡng, hun đúc nên nhân sĩ yêu nước - Đức Giáo tông Phan Văn Tòng; cuộc đời hoạt động cách mạng tích cực của nhân sĩ yêu nước Phan Văn Tòng, những cống hiến của ông đối với cách mạng và đạo Cao Đài Tiên Thiên; khẳng định, tôn vinh tấm gương kiên trung, giữ vững khí tiết của ông nơi địa ngục trần gian - nhà tù Côn Đảo; đánh giá về nhân cách, đạo đức, tấm lòng yêu nước, yêu thương con người, tinh thần cách mạng, hết lòng vì đời, vì đạo của Đức Giáo tông Phan Văn Tòng; việc noi gương, học tập và phát huy tấm gương “tốt đời - đẹp đạo” của Đức Giáo tông Phan Văn Tòng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong đồng bào có đạo.

Theo đó, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng (tên gọi khác là Nguyễn Văn Dương) sinh ngày 01/9/1881, tại làng Tường Lộc, quận Ba Kè, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1906, tích cực hưởng ứng phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, ông cùng một nhóm thanh niên làng Tường Lộc lên đường xuất dương du học. Sau một thời gian học tập, năm 1908, phong trào Đông Du bị Nhật thỏa hiệp với Pháp đàn áp, trục xuất du học sinh Việt Nam về nước. Phan Văn Tòng đã tự mổ bụng mình để đấu tranh với chính quyền Nhật, buộc nhà cầm quyền phải đưa ông vào bệnh viện chữa trị. Giữa năm 1909, khi vết thương đã lành, ông bị áp giải xuống tàu qua Trung Quốc để về Việt Nam.

Tiến sĩ Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu đề dẫn hội thảo

Trở lại quê hương Tam Bình, ông tiếp tục bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, chống thực dân Pháp: lập Chiêu Anh Quán làm nơi liên lạc bí mật, nuôi chứa các chí sĩ của phong trào Đông Du trở về từ Nhật Bản; tiếp tục tham gia các “hội kín”, liên lạc, quy tụ các bậc sĩ phu đương thời. Trong quá trình hoạt động, ông tìm đến các nhóm tu học Tiên Thiên Đại đạo, nghiên cứu sâu về giáo lý đạo Cao Đài. Ông muốn vận dụng giáo lý Cao Đài để từng bước giáo hóa dân chúng, chuẩn bị tập hợp quần chúng cho các hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm. Năm 1939, Cao Đài Tiên Thiên lập giáo hội theo cơ chế Thất thánh, Thất hiền, ông được tín nhiệm trở thành vị Giáo tông đầu tiên.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đứng lên khởi nghĩa khắp các tỉnh Nam kỳ; trong đó, có sự tham gia của đông đảo tín đồ Cao Đài Tiên Thiên, đứng đầu là Đức Giáo tông Phan Văn Tòng cùng với các vị chức sắc cao cấp khác. Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ kết thúc, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng và hơn 36 chức sắc cao cấp khác của phái Cao Đài Tiên Thiên bị chính quyền thực dân khép vào nhiều tội danh như: hoạt động trong các hội kín Nam Kỳ; liên lạc với chí sĩ Nguyễn An Ninh; lập đàn cơ bàn về “quốc sự” để khơi dậy lòng yêu nước nhằm kích động dân chúng chống lại chính quyền thuộc địa; xúi giục tín đồ và cùng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cùng với những lời buộc tội vô căn cứ đó, hàng loạt thánh tịnh của đạo Cao Đài Tiên Thiên bị triệt phá, đóng cửa. Nhiều chức sắc của đạo Cao Đài bị rơi vào vòng lao lý, Đức Giáo Tông Phan Văn Tòng cũng bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam, quy kết hàng loạt tội danh, bị giải qua Khám lớn Cần Thơ, Khám lớn Chí Hòa ở Sài Gòn và bị bị xử 05 năm khổ sai ở “Địa ngục trần gian – Nhà tù Côn Đảo”, 10 năm lưu đài biệt xứ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng được chính quyền cách mạng đón về đất liền trong niềm vui vô bờ của gia đình, đồng chí, đồng đạo. Nhưng vì sự tàn bạo của lao tù thực dân đế quốc đã làm ông hoàn toàn kiệt sức, không trọn hưởng niềm vui độc lập. Đến ngày 13/9/1945 (nhằm ngày mùng 8 tháng 8 năm Ất Dậu), ông tạ thế trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đạo, đồng bào. Ngày 07/8/1978, Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho Đức Giáo tông Phan Văn Tòng với tên “Nhân sĩ yêu nước Nguyễn Văn Dương”./.

Quang Chiến

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-duc-giao-tong-phan-van-tong-mot-tam-guong-tot-doi-dep-dao-538173.html