Hội thảo khoa học 'Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước'.

Ngày 22/5, tại Hải Phòng, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học'Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước'.TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ: Vụ Tổng hợp, Vụ Công tác Thanh niên, Vụ Pháp chế, Vụ Công chức - Viên chức, Tạp chí Tổ chức nhà nước; Lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương; Phòng Nội vụ một số quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng; các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Học viện Hành chính quốc gia, Đại học Nội vụ Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ nhấn mạnh về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong giai đoạn vừa qua; về sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức nữ được thể hiện qua các văn bản, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nữ đủ phẩm chất, năng lực vừa hồng vừa chuyên, tiêu biểu như Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định điều kiện tuyển dụng công chức không có sự phân biệt giữa nam và nữ…

 TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu Khai mạc Hội thảo

TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu Khai mạc Hội thảo

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức nữ vẫn còn hạn chế như: Tỷ lệ nữ cán bộ, công chức giữ cương vị lãnh đạo thấp. Về cơ chế chính sách, một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện như quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; những khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra những rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm…Trong hoạt động công vụ, phụ nữ chưa được tạo điều kiện để phát huy khả năng và sự đóng góp cũng như chưa thụ hưởng công bằng so với nam giới.Để có cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ, TS. Tạ Ngọc Hải đề nghị Hội thảo tập trung trao đổi những vấn đề, như: Những lý luận về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc điểm, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong giai đoạn hiện nay. Đánh giá chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong cơ quan hành chính nhà nước. Vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Thực trạng quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Bối cảnh, quan điểm, mục tiêu đặt ra với việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đề xuất, kiến nghị, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước.Phát biểu tham luận nội dung về đánh giá chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức nữ, bà Vũ Thị Thúy Hạnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đánh giá cao các quy định tiến bộ trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan nhà nước đã được ban hành, bổ sung, sửa đổi tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức nữ phát triển.Tuy nhiên, phân tích rõ thêm về công tác tuyển dụng hiện nay, bà Vũ Thị Thúy Hạnh cho rằng Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập về cơ bản đều không phân biệt nam, nữ trong quá trình tuyển dụng song cả 2 Nghị định trên đều không đề cập tới biện pháp bình đẳng giới. Bên cạnh đó, quy định “Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội…không được tính vào thời gian tập sự” còn thiếu nhạy cảm giới. Bà Vũ Thị Thúy Hạnh lý giải việc sinh con là thiên chức của người phụ nữ, đặc biệt quan trọng trong việc duy trì và phát triển nòi giống. Tuy nhiên, theo quy định trên, nếu 02 công chức (01 nam và 01 nữ) được tuyển vào một thời điểm, trong thời gian tập sự, nữ công chức có thai và sinh con, con đường chức nghiệp của nữ giới đương nhiên sẽ lùi lại sau công chức nam 06 tháng nghỉ thai sản. Xét về mặt tâm lý người quyết định tuyển dụng cũng không muốn lựa chọn một nữ giới đang mang thai.

Phó Trưởng Ban Tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Vũ Thị Thúy Hạnh, phát biểu tham luận tại Hội thảo

Bàn về quy định về công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử, Bà Vũ Thị Thúy Hạnh khẳng định việc ban hành các văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn, độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ… đã từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, thiếu khách quan khi xem xét, quyết định về cán bộ, có quan tâm, chú ý tới việc bổ nhiệm cán bộ nữ góp phần nâng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định trong các văn bản này đã hạn chế cơ hội thăng tiến của cán bộ nữ, đồng thời cũng chưa thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong các văn bản hướng dẫn về bổ nhiệm cán bộ. Bà Hạnh cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; Có chế tài đối với những cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đối với những nơi tỷ lệ nữ trong quy hoạch, tỷ lệ nữ được đào tạo, bồi dưỡng, tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra; quy định cấp có thẩm quyền không xét duyệt quy hoạch nếu cấp trình quy hoạch không đảm bảo tỉ lệ nữ theo quy định…

TS. Trần Thị Minh Châu - Chuyên viên chính Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật đối với cán bộ, công chức nữ là vấn đề được TS. Trần Thị Minh Châu - Chuyên viên chính Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ chia sẻ. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Tuy nhiên, các quy định về đảm bảo môi trường làm việc, chống quấy rối tình dục cho nữ cán bộ, công chức chưa được luật hóa cụ thể. Các quy định về bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ; quy định pháp luật về bảo vệ đời tư dẫn đến hạn chế tư cách pháp lý của phụ nữ là những vấn đề trong “khoảng trống pháp luật” hiện nay. TS.Trần Thị Minh Châu đã đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật đối với cán bộ, công chức nữ hiện nay ở nước ta, như giải pháp về thể chế hóa các quan điểm của Đảng về bình đẳng giới chống phân biệt đối xử; trách nhiệm của các Bộ, ngành về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; về trách nhiệm của Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp.Trao đổi về chất lượng công chức nữ và khuyến nghị xây dựng, thực hiện chính sách đối với công chức nữ, TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng “chất lượng công chức nữ là tập hợp các yếu tố phản ánh chất lượng cá nhân mỗi công chức qua ba nhóm: Thể lực – Trí lực và Tâm lực”. Về phương diện pháp lý, Trí lực và Tâm lực đã được pháp luật quy định (gần đây nhất là Đề án Văn hóa công vụ); trên thực tế về Thể lực thì hồ sơ tuyển dụng, bổ nhiệm quy định phải có giấy khám sức khỏe nhưng yếu tố này ít được các cơ quan quan tâm đến. TS. Tạ Ngọc Hải lưu ý khi triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm hay thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm… , các nhà quản lý cũng cần quan tâm đến sự khác nhau giữa nam và nữ ở các tiêu chí về y tế, tâm lý, khả năng hành động…

TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước chia sẻ tại Hội thảo

TS. Tạ Ngọc Hải cũng băn khoăn về tâm lý “nếu lựa chọn nữ thì không được tốt lắm”của một số lãnh đạo hiện nay. Ông cho rằng cần phá bỏ rào cản tâm lý từ định kiến giới để tăng tỷ lệ nữ giữ vị trí người đứng đầu bởi có những công việc người phụ nữ xử lý tốt hơn, ví dụ như từ tính cách mềm mỏng, đôn hậu của người phụ nữ, khả năng lắng nghe hay sở học ngôn ngữ hơn nam giới.
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Lê Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục bình đẳng giới trong các bậc học tại nhà trường. Bà Huyền chia sẻ “Mọi chính sách chỉ là vô hồn nếu không được giáo dục từ bé trong nhà trường” và đặc biệt cần thay đổi cả tư duy từ các nhà quản lý cũng như từ chính bản thân người phụ nữ, cần tạo điều kiện cho người phụ nữ được trân trọng và cống hiến, thay đổi chính sách đối với nữ “cần bình đẳng chứ không ưu tiên”.

TS. Lê Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ Hà Thị Dung trao đổi tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Dung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ thể hiện sự đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về các quan điểm trong thực hiện bình đẳng giới và đề xuất bình đẳng giới, nâng cao bình đẳng giới; đồng thời bà Hà Thị Dung cũng kiến nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần coi trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và khai thác thế mạnh từ thanh niên để chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức nữ, chính sách về bình đẳng giới sẽ đi vào thực tiễn nhanh và hiệu quả nhất.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu về những vấn đề về rào cản của khung chính sách, pháp luật; rào cản về định kiến giới; thái độ và tầm quan trọng của người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước; về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng khi mang theo con dưới 36 tháng tuổi…
Kết luận Hội thảo, TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả của các bài tham luận, ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý với hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Viện Khoa học tổ chức nhà nước tổng hợp, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong giai đoạn tới.

Tin, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-thao-khoa-hoc-danh-gia-thuc-trang-de-xuat-40659.html