Hội thảo khoa học 'Cơ sở khoa học sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015'

Sáng ngày 16/01, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học 'Cơ sở khoa học sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015'.PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo

Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Thang Văn Phúc, Văn Tất Thu; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh: Vĩnh Phúc và Hòa Bình.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã có một bước tiến lớn trong lịch sử lập hiến của Nhà nước ta khi khẳng định “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Có thể nói Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã được bổ sung nhiều nội dung, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, hoạt động và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, qua thời gian 3 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi; bên cạnh đó, cùng với việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thể hiện ở các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII vào trong Luật; thực hiện thông điệp “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ Nhân dân”, “Xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, hiện nay các cơ quan nhà nước đang tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII với rất nhiều nội dung về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược… Bộ Nội vụ được giao chủ trì, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng thuộc nội dung các Nghị quyết này, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đã nêu ra một số vấn đề để các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, như: Một số vấn đề về xây dựng Chính phủ kiến tạo và Chính phủ liêm chính; Làm rõ một số vấn đề về chức năng kiểm soát Chính phủ đối với các chế định nhà nước khác (lập pháp, tư pháp) và chính quyền địa phương; Tập trung đánh giá thực trạng các quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Thực trạng phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương; Thực trạng phân cấp giữa Trung ương và địa phương; Thực trạng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ; Thực trạng về mối quan hệ giữa Chính phủ với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và chính quyền địa phương; Kiến nghị, đề xuất những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 trong thời gian tới, như: sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; về phân công, phân cấp giữa Chính phủ với Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức của Chính phủ; bổ sung quy định về nguyên tắc kiểm soát quyền lực; quy định đầy đủ cơ chế kiểm soát của Chính phủ đối với việc thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp.

Trên cơ sở những ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn, về tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ quan điểm, ý kiến về các nội dung sửa đổi của Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS. Thang Văn Phúc cho rằng, cần có cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, có thể theo hai phương án: Phương án 1, xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng làm rõ 3 chức năng của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Phương án 2, sửa theo quy định hiện hành: cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở tầm vĩ mô; thể hiện phân cấp, phân quyền, làm rõ việc do Chính phủ thực hiện, việc phân cho Bộ, chính quyền địa phương; cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ cần rõ cơ cấu Thủ tướng - 02 Phó Thủ tướng - 18 Bộ trưởng (đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ), nên quy định cứng trong Luật và thực hiện Bộ đa ngành, đa lĩnh vực; cụ thể hóa Điều 23 - nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, viên chức và công tác thi đua khen thưởng.

Trong điều kiện thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII, cần tập trung nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung điều này cho phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất trong nhà nước ta là nhà nước thống nhất, đơn nhất do một Đảng Cộng sản lãnh đạo với sự phân công, phân quyền hợp lý hiện nay.

Bên cạnh đó, cần giữ Chính phủ quy định thống nhất cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất trong toàn hệ thống hành chính nhà nước; có phân cấp cho chính quyền địa phương tổ chức một số cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc thù địa phương và nằm trong tiêu chí do Chính phủ quy định. Về quản lý công chức, công vụ do Chính phủ thống nhất quản lý; viên chức giao cấp Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý quyết định trên cơ sở tiêu chí Chính phủ quy định và kiểm tra, kiểm soát. Cần bổ sung một điều về Chính phủ quản lý thống nhất công chức cả nước - cả hệ thống chính trị (trừ cơ quan Đảng). Cần bổ sung quy định về chế độ kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức bộ máy các cấp và công chức, viên chức cả nước đảm bảo yêu cầu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, để bắt kịp hội nhập khu vực và quốc tế.

PGS. TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS. TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 cần làm rõ khái niệm “Chính phủ kiến tạo”; vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương cũng cần làm rõ trong Luật; Chính phủ chỉ tập trung vào hoạch định chính sách vĩ mô, không nên đi sâu vào vi mô. Quy định rõ Bộ đa ngành, đa lĩnh vực và các tiêu chí phân biệt Bộ đa ngành, đa lĩnh vực và không nên đưa cấu trúc các Bộ vào trong Luật; quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Bộ trưởng với tư cách là Tư lệnh ngành và tư cách là thành viên Chính phủ. Cần thay đổi tư duy về các cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống các cơ quan thuộc Chính phủ để thực thi pháp luật trong thực tiễn về ngành, lĩnh vực được giao…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý chia sẻ một số vấn đề liên quan đến cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, như: GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ nội dung “Chính phủ kiến tạo và Chính phủ liêm chính”; PGS. TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ nội dung “Tổ chức và hoạt động của Chính phủ qua các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1992, 2013 - Những vấn đề đặt ra trong sửa đổi, hoàn thiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015”; GS. TS. Phạm Hồng Thái, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về nội dung “Vị trí, vai trò của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015”; ThS. Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ chia sẽ nội dung “Phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015” và PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẽ về nội dung “Phân quyền và quản trị công kiểm mới trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ một số quốc gia trên thế giới - Vài liên hệ với Việt Nam”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường ghi nhận, đánh giá cao và khẳng định sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, tham luận của các đại biểu. Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị bộ phận Thư ký nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận, tập hợp ngay các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo; trên cơ sở đó tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Anh Cao

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-thao-khoa-hoc-co-so-khoa-hoc-sua-doi-40322.html