Hội thảo khoa học Chính phủ và Chính quyền địa phương

Sáng ngày 25/8/2018, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học Chính phủ và Chính quyền địa phương với mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học phục vụ cho việc sửa Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương sẽ tập trung vào việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ; sự phân cấp mạnh giữa Chính phủ đối với chính quyền địa phương, Chính phủ với các Bộ, ngành cũng như Chính phủ và các Bộ, ngành đối với chính quyền địa phương. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay, một việc nhiều cấp chính quyền thực hiện. Ví dụ, việc quản lý đất đai hiện nay có đến 3 cấp chính quyền cùng quản lý. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương, cần sửa các quy định liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng như việc thí điểm hợp nhất, nhất thể hóa đơn vị Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mong muốn, trên cơ sở các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã ghi nhận trước đó tại các Hội thảo, Tọa đàm được tổ chức tại khu vực phía Nam cùng với các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong Hội thảo khoa học lần này, Bộ Nội vụ sẽ có thêm cơ sở để hoàn thiện Báo cáo Chính phủ về các nội dung sửa đổi, bổ sung của 2 Luật.

Trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã nêu ra những điểm cần sửa đổi theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7; trong đó, có có việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp cũng cần tiếp tục hoàn thiện, phân biệt rõ hơn nữa chính quyền đô thị, nông thôn và hải đảo. Cùng với đó là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính và quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc HĐND cấp tỉnh, huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này như thế nào là hợp lý. Báo cáo đề dẫn cũng đặt ra việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho phù hợp trong điều kiện xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng cần được quy định thêm trong luật để có cơ sở rà soát, sáp nhập, sắp xếp lại.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã sôi nổi, tích cực chia sẻ quan điểm, ý kiến về các nội dung sửa đổi của hai Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đối với Luật tổ chức Chính phủ, cần lựa chọn sẽ sửa đổi những nội dung cụ thể trong 2 Luật và phân định rõ mối quan hệ cũng như chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương; cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để tránh việc đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc nhấn mạnh, nếu phân định được mạch lạc mối quan hệ này thì tinh giản biên chế mới đạt hiệu quả như mong đợi.

Liên quan đến Luật tổ chức Chính quyền địa phương, nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc cho rằng, ngoài Luật này cần có Luật phân quyền một cách thực sự chính danh để làm công cụ điều chỉnh chính quyền địa phương. Đồng thời, đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật ra, cần có những hành động quyết liệt hơn bởi đây là thời cơ hành động của Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ Nội vụ cần liệt kê những việc cần làm ra như là một sự thách thức đối với quản lý nhà nước Việt Nam.

PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp thì cho rằng, trong các nội dung sửa đổi, bổ sung cần làm rõ vai trò thành viên Chính phủ của các Bộ trưởng để tránh việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết quá nhiều việc.

“Làm sao để càng lên cấp trên cao, càng phải làm ít việc, ít việc không có nghĩa là ít mà là tập trung vào điều hành những việc lớn, mang tính vĩ mô nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra chứ không phải giải quyết theo sự vụ” – ông Hoàng Thế Liên nói. Nhiều ý kiến của chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này.

Đối với thực trạng về chính quyền địa phương, PGS.TS Hoàng Thế Liên cho rằng, bộ máy còn cồng kềnh, phân mảnh nhiều quá. Do đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật tổ chức Chính quyền địa phương cần khắc phục được những tồn tại này. Đồng tình với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, PGS.TS Hoàng Thế Liên cũng đề nghị cần xem xét và làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương để Chính phủ có thể tập trung giải quyết những việc lớn, mang tầm vĩ mô. Và quan trọng, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tinh giản phải đi đôi với “tinh hóa” và chuyên môn hóa, tiêu chuẩn về cán bộ, công chức cũng phải “tinh” thì mới đạt được hiệu quả thực chất trong tinh giản biên chế.

Đa số các chuyên gia, nhà khoa học cũng bày tỏ quan điểm việc sửa đổi luật cần thực hiện đúng các quy định trong Hiến pháp, đề cao dân chủ trực tiếp. GS Hoàng Chí Bảo đề nghị, trước khi đi vào sửa đổi, bổ sung cần dành thời gian để thống nhất một số luận điểm chung để tránh mất phương hướng, dẫn tới sự thiếu đồng thuận. Đồng thời, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về bộ máy nhà nước và tổ chức bộ máy nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Giáo sư Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ quan điểm, Luật cần phân về việc phân cấp, nhưng phải hạn chế đến mức tối đa ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin – cho. Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật lần này hướng tới phân cấp, phân quyền mạnh nhưng phân cấp cho chính quyền địa phương về kinh tế - xã hội thì được chứ phân cấp về biên chế, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức thì lại không thể được.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nêu rõ, việc giảm số lượng đại biểu HĐND một cách hợp lý, kiện toàn bộ máy một cách gọn nhẹ là nội dung cần xem xét sửa đổi. Theo ông, số lượng đại biểu HĐND hiện có cơ cấu rất đông và mục tiêu ban đầu “cơ cấu đại biểu HĐND nhiều để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động nhưng thực tế thì không phải”. Hoạt động của HĐND lại chỉ theo kỳ họp, 1 năm 2 kỳ nhưng thực tế cho thấy, chỉ có một số ít tham gia thảo luận, đóng góp. Vì vậy theo nguyên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Đình Luyến, việc bố trí đại biểu HĐND nhiều chỉ gây lãng phí về công sức, thời gian, kinh phí.

Một số ý kiến khác của đại biểu cho rằng, cần có tổng kết, đánh giá về vai trò của cấp xã trong thời gian qua, bởi đây là cấp nhỏ nhất trong 4 cấp của hệ thống chính trị nhưng vô cùng quan trọng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận, đánh giá cao và khẳng định sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, tham luận của các đại biểu. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết trước mắt, việc sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương sẽ thực hiện trên tinh thần lựa chọn những vấn đề đang bức xúc, nhu cầu thực tiễn xã hội đang đặt ra để ưu tiên làm trước chứ chưa sửa toàn diện. Những nội dung nào ổn định thì kế thừa và phát triển. Đồng thời, nội dung đổi mới đưa vào thực hiện cần có lộ trình và bước đi thích hợp để vừa bảo đảm ổn định, vừa có cái mới, vừa phải có sự ưu tiên trước - sau, đáp ứng yêu cầu phát triển. Khi sửa đổi phải bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ hai chiều cơ sở với Trung ương và Trung ương với cơ sở, không chủ quan, không duy ý chí nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận, tập hợp ngay các ý kiến; trên cơ sở đó hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung sớm nhất để có thể Báo cáo Chính phủ vào ngày 30/8 tới đây.

Toàn cảnh Hội thảo

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-thao-khoa-hoc-chinh-phu-va-chinh-quyen-dia-38610.html