Hội thảo Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam

Để tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của Áo dài Huế và chào mừng Festival Huế lần thứ XI năm 2020 với chủ đề 'Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới', Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội thảo Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam.

Huế "chiếc nôi" của Áo dài Việt Nam

Theo tư liệu lịch sử, xứ Đàng Trong (1558 – 1777), tương truyền Đào Duy Từ từng khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên đổi cách ăn vận của dân chúng xứ Đàng Trong cho khác biệt hẳn với xứ Đàng Ngoài, tuy nhiễn vẫn chưa thực hiện.

Mãi đến năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục.

Hội thảo Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam

Hội thảo Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam

Chiếc Áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802, vua Gia Long có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước. Từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tại Hội thảo Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh từ kinh thành Phú Xuân, Huế đã dần dần thay thế các trang phục cổ truyền của xứ Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Huế từng là Thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là Kinh đô triều đại Tây Sơn và Nhà Nguyễn, nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc nhất của cả nước từ mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực đến trang phục, trong đó có Áo dài truyền thống, lưu lại những giá trị văn hóa di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ và của dân tộc Việt Nam.

Không gian triển lãm áo dài

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, chiếc Áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Hình ảnh Áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương.

Phát huy giá trị tà Áo dài

Tại hội thảo "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" các nhà nghiên cứu, đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra những bài tham luận để khẳng định giá trị Áo dài truyền thống Việt Nam, Áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay, đề xuất những ý tưởng, định hướng, để phát triển Áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam, khẳng định Huế là kinh đô Áo dài Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt đã khái quát, nhận diện bản sắc Áo dài của đàn ông Việt. Đồng thời, đã nhấn mạnh những nguyên nhân khiến áo dài của đàn ông (áo ngũ thân) bị lãng quên từ giai đoạn sau 1954 đến nay, đồng thời nêu lên thực trạng mặc áo dài hiện nay và đưa ra các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Áo dài Huế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

"Thời gian qua, một số hội thảo đã quy tụ được sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lí, nhà thiết kế thời tran để phân tích, đánh giá về những khía cạnh lịch sử, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề nhận diện Huế là cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng chiếc Áo dài Việt Nam và Áo dài cũng là một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế vẫn còn bỏ ngõ, chưa nghiên cứu một cách toàn diện." TS Phan Thanh Hải cho hay.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục Áo dài truyền thống. "Tôi đã có thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc Áo dài ít nhất 2 ngày/tuần. Miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc Áo dài truyền thống trong các ngày lễ, Tết", ông Thọ nói.

Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để khích lệ, cổ vũ người dân mặc Áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn, khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam.

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoi-thao-hue-kinh-do-ao-dai-viet-nam-20200710110631345.htm