Hội thảo ASEAN về 5G: Tháo gỡ những khó khăn trong tần số 'nóng'

Hội thảo ASEAN 5G diễn ra ngày 16/8 đã bàn về các vấn đề khó khăn hiện nay trong việc xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng viễn thông, quy hoạch băng tần và cấp phép tần số 5G tại khu vực ASEAN.

Toàn cảnh Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Toàn cảnh Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 16/8, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G nhằm nhằm tháo gỡ những khó khăn chung về vấn đề quy hoạch tần số cho mạng di động 5G.

Hội thảo có sự tham dự, trình bày và chia sẻ kinh nghiệm của đại diện các cơ quan quản lý các nước ASEAN; các chuyên gia đến từ các nhà cung cấp như GSMA, Qualcomm, Huawei, NTT Docomo, Ericsson, Nokia, Axiata và các doanh nghiệp thông tin di động trong nước...

Tại hội thảo, những vấn đề đặt ra để thảo luận như: Băng tần 3,5GHz đang được nhiều nước trong khu vực sử dụng cho vệ tinh; băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) còn có những băn khoăn về vùng phủ; tần số cho 5G để chia sẻ, tìm kiếm giải pháp quy hoạch băng tần phù hợp cho 5G, đảm bảo hài hòa phổ tần cho 5G trong khu vực ASEAN; kinh nghiệm cấp phép tần số cho mạng 5G…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải khẳng định 5G có vai trò đặc biệt trong việc kết nối cơ sở hạ tầng viễn thông và là yếu tố không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một ASEAN số.

“Cơ sở hạ tầng viễn thông không chỉ là cơ sở hạ tầng truyền thông, mà là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số, Internet vạn vật (IoT) và cơ sở hạ tầng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

“Để cung cấp dịch vụ 5G, trước tiên chúng ta phải có phổ tần cho mạng 5G. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức chung trong việc phân bổ phổ tần cho 5G, bởi vì nhiều quốc gia trong khu vực đang sử dụng băng tần 3,5 GHz cho các hệ thống vệ tinh trong khi việc sử dụng các băng tần mmW vẫn còn bị nghi ngại do phạm vi phủ sóng hạn chế”.

Tính đến nay, Việt Nam đã cấp giấy phép cho 3 nhà khai thác di động để thực hiện thử nghiệm 5G tại một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng vào ngày 10/5 vừa qua, Viettel đã thực hiện kết nối đầu tiên và cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN về 5G.

Qua thảo luận tại Hội nghị, các nước ASEAN đều gặp khó khăn chung về vấn đề quy hoạch tần số cho 5G, như: Băng tần 3,5GHz đang được nhiều nước trong khu vực sử dụng cho vệ tinh; băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) còn có những băn khoăn về vùng phủ.

Đáng chú ý, băng tần 3.5GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển 5G, vì hệ sinh thái thiết bị 5G rất lớn và đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như một số nước ASEAN, việc xem xét sử dụng băng tần này cho 5G phải tính đến kết quả nghiên cứu và đo thực tế mức độ ảnh hưởng từ 5G đến các đài trái đất thông tin vệ tinh. Từ đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có kế hoạch cho phép qui hoạch phổ tần trong năm 2019 - 2020, và cấp phép thương mại vào năm 2020./.

Minh Sơn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoi-thao-asean-ve-5g-thao-go-nhung-kho-khan-trong-tan-so-nong/590442.vnp