Hồi sinh xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình

Hơn một tháng nay, xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình lại trở nên nhộn nhịp sau nhiều năm hiu hắt.

Xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình (đường Lạc Long Quân, quận 11) được những người dân Nam Ðịnh mang vào phát triển ở Sài Gòn và hình thành làng nghề cách đây hơn 50 năm. Khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước là thời kỳ hưng thịnh nhất của lồng đèn Phú Bình. Khi đó, ngoài cung cấp cho toàn miền nam, những chiếc lồng đèn của người dân nơi đây còn xuất khẩu sang Xin-ga-po, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Ðến những năm cuối thế kỷ 20, xóm lồng đèn Phú Bình bắt đầu mất dần thị trường vì không cạnh tranh được với lồng đèn điện tử, nhất là các mặt hàng từ Trung Quốc.

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng lại bắt đầu chuyển hướng sang ưa chuộng những sản phẩm trung thu truyền thống vì mang trí tuệ, sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làm ra những sản phẩm lồng đèn tinh xảo, bắt mắt. Cũng chính vì thế, xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình đã thật sự hồi sinh. Hơn một tháng nay, xóm Phú Bình nhộn nhịp hẳn với đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về. Anh Thắng, người thợ làm lồng đèn giấy kiếng đầy kinh nghiệm cho biết, cả nhà anh làm lồng đèn từ năm 1989. Cứ đến dịp trung thu, anh gác tất cả các công việc khác, chỉ tập trung sáng tạo ra những chiếc lồng đèn giấy kiếng hút mắt trẻ thơ. Năm nay, dù chưa đến trung thu, nhưng gia đình anh Thắng đã bán hơn 1.000 chiếc lồng đèn.

Bà Dương Thị Mai, 56 tuổi cho biết: "Nhà tôi chuyên gia công dán, vẽ những chiếc lồng đèn với giá 2.000 đồng/cái. Một tháng nay, tôi đã gia công cả nghìn chiếc lồng đèn rồi".Trước kia, bà không biết làm hay vẽ lồng đèn, nhưng được gia đình chồng chỉ cho cách làm lồng đèn thì bà đã thật sự yêu nghề. Năm nay, gia đình bà Mai bắt đầu làm lồng đèn từ hai tháng trước, và đã giao khoảng vài nghìn chiếc cho khách. Khá hơn những gia đình khác, hộ sản xuất lồng đèn của anh Thành, ngụ số 49/56/10, đường Trịnh Ðình Trọng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, có những đơn đặt hàng tận Hà Nội, Ðà Nẵng, Hội An…

"Ba thế hệ trong gia đình tôi đã gắn bó với nghề này. Nét đặc trưng của lồng đèn Phú Bình là giấy kiếng căng bóng và nét vẽ mầu tươi thắm", ông Nguyễn Bá Ðạt (63 tuổi)- người có thâm niên sản xuất lồng đèn giấy kiếng Phú Bình chia sẻ. Ðợt hè vừa qua ông đã kịp "nâng tay nghề" cho cậu con trai 17 tuổi Nguyễn Bá Phúc, học sinh Trường THPT Phú Lâm, người đã có kinh nghiệm khoảng sáu năm vẽ mầu lồng đèn. Phúc tâm sự, ngoài phụ giúp gia đình làm lồng đèn giấy mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống. Trung bình mỗi chiếc lồng đèn Phú Bình phân phối cho đầu mối tại chợ lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5), khu đô thị Vivo (quận 7) có giá khoảng 14 nghìn đồng. Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0,8 m đến 1,5 m giá hơn 120 nghìn đồng. Ðể có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh thường tốn rất nhiều thời gian. Tre làm khung phải sử dụng loại nhập về từ Bình Phước, vót thành từng nan mỏng để uốn dẻo và cố định hình dạng.

Theo bà Bùi Thị Xuân, chủ một cơ sở sản xuất lồng đèn lớn nổi tiếng trong vùng, phải qua hơn mười công đoạn, từ chẻ tre, kết kẽm cho đến tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Nguyên liệu làm khung đèn là nứa hay lồ ô, giấy dán phải có mầu thắm, đẹp; giấy kiếng phải căng bóng. Tuy vậy, yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn là cách tạo hình, dán và những họa tiết trang trí trên đèn. Ngoài mẫu mã truyền thống, phải tạo ra những mẫu mới, lạ, phù hợp từng đối tượng. Hiện bên cạnh đèn kéo quân, tàu thủy, ngôi sao…, làng đã làm những chiếc lồng đèn hình con chuột, khỉ, voi, siêu nhân… Năm nay kiểu lồng đèn hình chiếc tàu có tên Hoàng Sa, Trường Sa rất ăn khách.

NGUYÊN HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34202002-hoi-sinh-xom-long-den-giay-kieng-phu-binh.html