Hồi sinh 'vùng đất chết'

Từ năm 1965 đến 1970, đế quốc Mỹ đã thả một lượng lớn chất độc hóa học xuống khu vực sân bay A So, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, để tiêu diệt quân và dân ta nhằm chiếm lại thế trận. Thế nhưng âm mưu của chúng đã hoàn toàn thất bại, lực lượng chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng Đồn A Sầu, sân bay A So. Hòa bình lập lại, nhưng con người, thiên nhiên ở vùng đất biên giới vẫn phải gánh chịu những di chứng khủng khiếp do chất độc hóa học gây ra. Thế nhưng, với ý chí kiên cường của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, 'vùng đất chết' hôm nay đang hồi sinh mạnh mẽ.

Sự sống đang hồi sinh ở khu vực sân bay A So. Ảnh: Viết Lam

Sự sống đang hồi sinh ở khu vực sân bay A So. Ảnh: Viết Lam

Giữa những ngày tháng 5-2019, thời tiết nắng nóng, sân bay A So vẫn bạt ngàn một màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Những đồi sim, hoa khoe sắc tím, những đàn bò ung dung gặm cỏ bên cạnh hố bom, người nông dân tất bật trên những bãi ngô... Vùng đất này bình yên như bao dải đất biên cương khác.

Ở sân bay A So ngày hôm đó, có nhân vật khá đặc biệt - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai, người con ưu tú của đồng bào Pa Cô. Ông là một trong những biểu tượng về sự can trung, mưu trí, dũng cảm chiếu đấu, tiêu diệt địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa bàn A Lưới ngày ấy. Hơn ai hết, ông hiểu về sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác của Mỹ đã gây ra với đồng bào, quê hương mình.

Đứng ở một góc sân bay A So, nhìn về hướng những đàn bò đang gặm cỏ, ông nói rằng: “Sau hàng chục năm, sự sống ở vùng đất này đang hồi sinh mạnh mẽ. Nhớ những năm sau chiến tranh, chẳng có loài cây nào có thể mọc được, người dân cũng không ai dám đến gần”.

Nói rồi, ông kể lại câu chuyện của quân và dân A Lưới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là cuộc chống biệt kích, xâm nhập tái chiếm Sân bay A So. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559, Bộ đội Trường Sơn vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam nên Mỹ và tay sai đã ra sức tàn phá cung đường này.

Năm 1960, đế quốc Mỹ cho xây dựng sân bay A So với mục đích tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn và gây ra không ít khó khăn cho quân dân ta. Đến năm 1966, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực Sư đoàn 325 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng Đồn A Sầu, sân bay A So và cả một vùng rộng lớn phía Nam huyện A Lưới. Chiến thắng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ.

Thế nhưng, với âm mưu xoay chuyển tình thế, tái chiếm lại vùng giải phóng, Mỹ đã rải chất độc da cam, “phát quang” rừng núi hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân. Bằng sự kiên cường bám trụ, chiến đấu, bộ đội chủ lực, dân quân, du kích tại địa phương đã bắn cháy nhiều máy bay địch, bắt sống, tiêu diệt nhiều toán biệt kích Mỹ, ngụy xâm nhập vùng đất biên giới. Chỉ tính từ tháng 8-1965 đến tháng 12-1970, đế quốc Mỹ đã tiến hành 256 đợt rải chất độc hóa học xuống cứ điểm quân sự này và dư lượng chất độc ấy còn để lại hậu quả đến cho đến tận bây giờ.

Sau khi đất nước thống nhất, khu vực sân bay A So được xem là “vùng đất chết”. Cỏ cây không thể mọc nổi, không có người sinh sống. Đến năm 1991, có 95 hộ dân của đồng bào Pa Cô từ khu vực quanh đèo Pêke, huyện A Lưới chuyển về khu vực quanh sân bay A So định cư. Xã Đông Sơn, huyện A Lưới được thành lập, bao gồm một vùng đất rộng lớn bao quanh căn cứ quân sự và sân bay A So ngày ấy. Thời gian đầu mới về sinh sống, do thiếu hiểu biết, không lường được tác hại lâu dài của chất độc hóa học, những người dân Đông Sơn vẫn tận dụng nước từ hố bom để sinh hoạt, sản xuất. Hậu quả đau lòng dần hiện hữu trong một số gia đình khi có nhiều trẻ em sinh ra mang những dị tật bẩm sinh.

100% hộ gia đình ở xã Đông Sơn được sử dụng nước sạch. Ảnh: Viết Lam

Để giúp dân ổn định cuộc sống, giảm những tác động do chất độc hóa học để lại, chính quyền địa phương huyện A Lưới đã vào cuộc quyết liệt, trong đó, khảo sát, di dời hàng chục hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm của chất độc đến nơi an toàn, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu, không sử dụng nguồn nước trong khu vực nhiễm độc. Để giảm tác hại của chất da cam đối với con người, một “hàng rào xanh” với hàng vạn cây bồ kết được trồng trên diện tích gần 10ha, bao trọn một vùng được xem là “điểm nóng” chất độc dioxin tại sân bay. Điều đó có tác dụng cải thiện môi trường đất, nước, ngăn không cho con người, động vật chăn thả vào những nơi nguy hiểm.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, 385 hộ gia đình/1.511 khẩu đồng bào các dân tộc ở xã Đông Sơn đã được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn. Đây là điều hiếm có ở một xã vùng cao biên giới. “Từ khi có nguồn nước sạch của Nhà nước, bà con chúng tôi yên tâm sử dụng, không sợ bệnh tật đe dọa đến thế hệ con cháu. Chúng tôi cũng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - Anh Hồ Văn Ngứn, thôn Loa Ta Vai, xã Đông Sơn khẳng định.

Để đảm bảo an ninh trật tự, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế cũng xây dựng ở Đông Sơn một tổ công tác địa bàn. Ở đây, những người lính Biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất.

“Nhờ có nguồn nước sạch mà những năm gần đây, số trẻ em sinh ra mắc các dị tật đã giảm xuống rất nhiều. Với việc trồng lúa, trồng rừng, đời sống nhân dân cũng đang từng ngày được cải thiện. Đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết một lòng, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới” - Trung úy Hồ Văn Tài, nhân viên tổ công tác Biên phòng Đông Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-sinh-vung-dat-chet/