Hồi sinh thương hiệu chè Ngam La

Do được đầu tư khá nhiều tiền của để cải tạo, bảo tồn, phát triển thương hiệu, số phận của cây chè ở vùng cao Ngam La đã hết nỗi lo chết mòn. Nhiều người cho rằng, cứ duy trì được tốc độ hồi sinh thế này thì ước mơ về thương hiệu chè đặc trưng nổi tiếng của vùng đá tai mèo Yên Minh (Hà Giang) mang hình ảnh cây chè cổ thụ sẽ không còn là mơ ước...

Thu hoạch chè cổ thụ ở Ngam La.

Báu vật vùng cao

Mùa này, ở vùng miền núi Ngam La thường có những cơn mưa giông bất chợt. Mặc dù con đường dẫn lên những nương chè cổ thụ nhão nhoẹt bùn đất, nhưng Sùng A Pó, một chàng trai người Mông, nhà ở gần trung tâm xã Ngam La vẫn đưa tôi đến được bản Sa Lỳ bằng chiếc Win Trung Quốc. Đây là một trong những nơi có dự án cải tạo chè cổ thụ được triển khai.

Cụ Giàng A Lềnh, một trong những người cao tuổi nhất vùng Ngam La thủng thẳng kể với chúng tôi về những huyền thoại xung quanh cây chè cổ thụ trên miền sơn cước này bằng tiếng phổ thông khá "trơn tru". Theo cụ Lềnh thì từ khi chưa bằng cái bồ đựng ngô, cụ đã biết chè là cây thuốc quý giúp cho cái chân của người Mông, người Tày, người Dao ở Ngam La luôn vượt núi không biết mệt mỏi, cái đầu quanh năm ngày tháng không biết đến cái đau.

Thời ấy, có rất nhiều người Hoa ở bên kia biên giới tìm đến Ngam La để đổi bạc trắng lấy chè. Nhờ thế, nhiều người, trong đó có cha cụ Lềnh trở nên giàu có, mua được nhiều trâu, trong nhà có nhiều đồng bạc hoa xòe. "Ở Ngam La, cây chè cổ thụ được đồng bào coi là báu vật. Bây giờ vẫn còn nhiều cây thân to bằng vòng tay người lớn, rêu xanh mọc đầy lớp vỏ. Nghe cán bộ bảo, có nhiều cây đã ăn đất núi, uống nước trời được mấy thế kỷ, chứ người vùng cao mình không biết rõ nó sống được bao nhiêu mùa nương. Muốn thu hoạch, đồng bào chỉ cần trèo lên hái lá đem xuống suối rửa sạch, cho vào gùi mang về…".

Nghe cụ Lềnh giới thiệu với chúng tôi về "lịch sử" cũng như "công nghệ" thu hái chè cổ thụ một cách vắn tắt nhưng tương đối đầy đủ như vậy, "hướng dẫn viên" Sùng A Pó tiếp lời: "Chè Ngam La toàn là giống Shan tuyết, quý lắm! Cả đời nó cứ mọc tự nhiên trên núi, nhiều cây thân to bằng cột nhà, mỗi lần hái được mấy chục gùi…".

Cũng theo Pó thì nhà anh đang có hơn 40 cây chè cổ thụ trên nương, do bố vợ cho làm của hồi môn, cứ đến mùa, mỗi ngày thu hái ít cũng được 15kg. Pó bảo, ngày xưa, nói đến Ngam La, ai cũng bảo không có việc bắt buộc phải đến thì không bao giờ đến. Nhưng giờ thì khác rồi, dù đường vẫn còn khó đi, nhưng xe máy vẫn trèo tốt.

Nhờ chè cổ thụ mà người Ngam La đỡ vất vả vì chè từ nương, từ vườn "ra đi" thì có áo váy mới, đồ dùng mới về trong nhà. Chè cổ thụ còn giúp nhiều người giàu lên, có tiền xây nhà kiên cố, hay ít hơn thì tậu xe máy, lợp lại mái nhà bằng tôn cho bền chắc, tránh được cái bão gió mùa mưa...

"Rẽ bước sang ngang"

Câu chuyện dở dang, nghe tiếng gọi nhau đi hái chè, thế là chúng tôi theo chị Cháng Thị Dìn lên nương. Về tài sản là các "cụ chè", chị Dìn thuộc hạng "thường thường bậc trung" trong bản với mươi cây chè cổ thụ và khoảng 2.000m2 chè từ 7-10 tuổi, trong đó, gần một nửa đã được cải tạo theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã.

Chị Dìn cho biết, cách đây hai năm, giá chè đang cao, chẳng hiểu sao đột ngột bị ế vì không ai đến mua. Nhiều người đem chè xuống chợ huyện bán với giá rẻ như cho, nhưng khi biết đây là chè Ngam La thì các đầu mối thu mua cũng lắc đầu. Chè thu hoạch về, phơi, sao, sấy, ủ... đủ công đoạn rồi lại để cho đến mốc, phải đổ đi, khiến người dân ở đây hoang mang lắm, nhưng chẳng biết làm sao.

Thế rồi, cán bộ huyện, xã vào cuộc và phát hiện ra rằng, có nhiều người thu mua ở nơi khác sau khi thu gom chè Ngam La về thì pha chế, thậm chí trộn cả phân đạm vào. Tự nhiên, chè Ngam La thành chè bẩn, mất giá, mất mối hàng...

Câu chuyện của chị Dìn được chàng thanh niên nhiệt tình, lại hiểu biết là Sùng A Pó "nối dài" với chúng tôi. Pó giải thích rằng, nguyên nhân dẫn đến chè Ngam La "rẽ bước sang ngang", bị mất thương hiệu, uy tín như chị Dìn kể đúng là như vậy thật, nhưng chưa đủ. Cái chính vẫn là do thời gian đó, bà con đua nhau dùng nguyên liệu chè Ngam La để sản xuất chè vàng, bán cho các thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để làm ra 1kg chè vàng, bà con chỉ cần thu hái nguyên liệu chè tươi đầu vào là 4kg. Thêm vào đó, do giá thu mua của thương lái rất hấp dẫn, khoảng 70-90 nghìn đồng/kg, đã làm người trồng chè đổ xô đi hái chè không tuân theo kĩ thuật. "Cũng vì vậy mà người Ngam La, chẳng ai còn quan tâm đến việc phơi, sao, sấy, ủ theo từng công đoạn nghiêm ngặt nữa. Và từ đặc sản quý có giá trung bình từ 150-300 nghìn đồng/kg, thậm chí, loại đặc biệt có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg, chè Ngam La ngày càng xuống dốc. Đến khi thương lái ngừng thu mua thì chè chất đống trong nhà, không bán được..." - Pó giải thích thêm.

Ở vùng cao Ngam La còn rất nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Không còn nỗi lo "đặc sản ế"

Trước thực trạng bi đát của thương hiệu chè Ngam La, các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện Yên Minh và xã Ngam La không thể khoanh tay đứng nhìn. Sau khi xác định nguyên nhân "xuống dốc" của loại đặc sản quý của địa phương, UBND huyện Yên Minh chỉ đạo ngành Nông nghiệp khẩn cấp vào cuộc bằng việc tổ chức các lớp tập huấn với mục đích giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức về cây chè, coi đó là cây trồng thoát nghèo của gia đình.

Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ vốn cho người dân phát triển diện tích mới và cải tạo thâm canh diện tích cũ. Nhưng không phải những nỗ lực trên được đồng bào nhiệt tình đón nhận. Một cán bộ thuộc Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Yên Minh cho chúng tôi biết, hồi mới triển khai các giải pháp cứu cây chè Ngam La, có rất nhiều vấn đề nan giải, do nhiều hộ đã quá chán nản. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ kỹ thuật phải mua rượu đến các bản tìm gặp già bản phân tích lợi ích của việc đổi mới nhận thức đối với cây chè để họ vận động con em mình làm theo.

Việc triển khai cải tạo chè nan giải đến vậy, nhưng việc tìm "lối ra" sau khi các nương, vườn chè được "phục sinh" còn khó hơn nhiều. Các cơ sở chế biến chè trong huyện, tỉnh, được mời về khảo sát vùng nguyên liệu hầu hết "buông tay", không dám tự tin đứng ra thu mua, chế biến, do thương hiệu chè Ngam La đã bị giảm sút nghiêm trọng...

Thế rồi, như ngôi sao lóe lên trong đêm tối, Hợp tác xã Hương Vị Núi do chính những người con của vùng đất Ngam La ra đời, do chị Nguyễn Thị Tươi, một phụ nữ dân tộc Tày làm Chủ nhiệm vào thời gian cuối năm 2012 bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách. Điểm nổi bật là sản phẩm chè Ngam La lần đầu tiên được sản xuất, chế biến, đóng gói qua máy hút chân không, mẫu mã đẹp được đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng sản phẩm mang tên "Chè Shan tuyết Ngam La".

Chị Tươi cho chúng tôi biết, những ngày đầu, lãnh đạo Hợp tác xã đem sản phẩm chè của mình đi giới thiệu, nhưng đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu. Bị từ chối, họ lấy chè mang theo pha nước mời khách uống thử. Tấm tắc khen chè ngon, nhưng khách vẫn không tin là chè Ngam La. "Chúng tôi phải giải thích để họ hiểu. Kiên trì mãi rồi cũng thành công, bây giờ chè làm ra đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Hiện tại, Hợp tác xã Hương Vị Núi đã đứng ra bao tiêu 300ha chè của xã Ngam La với sản lượng gần 100 tấn chè khô/năm. Có thể nói, chè Ngam La đã lấy lại được uy tín, niềm tin của người tiêu dùng, từng bước lấy lại thương hiệu tưởng chừng như đã mất..." - Chị Tươi khẳng định đầy tự tin.

Lời kết

Ở độ cao trên nghìn mét, giữa trưa hè, từng đụn mây bỗng dâng lên, chậm rãi rồi dào dạt như khoác lên miền "cổ tích chè" Ngam La một tấm áo kỳ lạ. Giữa lưng chừng núi, các "cụ chè" như muốn đu mình lên giữa bạt ngàn những nương, vườn chè đang được trồng mới. Lẫn trong màu xanh ngút ngát, thấp thoáng bóng dáng những chàng trai, cô gái người Mông, người Tày cõng trên lưng gùi chè tươi vội vã về nhà. Ở trong những cái gùi đó, họ đã cảm nhận rất rõ của sự ấm no - tất cả là nhờ sự hồi sinh của "báu vật" của mình - những cây chè.

Phan Mạnh Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bienphong.com.vn/hoi-sinh-thuong-hieu-che-ngam-la/