Hồi sinh nơi tâm lũ đi qua

Tài sản mất trắng nhưng người dân quê tôi đã quen với bão lũ. Những luống rau xanh tốt, đàn gia súc tiếp tục được nhân giống. Quê tôi lại hồi sinh...

Hồi sinh sau lũ

Phấn khởi khi đón chúng tôi ở khu trang trại, ông Trần Văn Báu (63 tuổi, trú thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) “khoe”, ông vừa mới mua 1 đàn hươu 3 con, 1 tạ giống dam, 1 tạ giống cá để bắt đầu khôi phục sản xuất, chăn nuôi.

Chỉ cho chúng tôi những lồng dam dưới hồ, ông Báu cho biết, ông vừa cho thả thử nghiệm nuôi dam bằng lồng kết, bước đầu cho kết quả khả quan. Mô hình này do ông tự mày mò nghiên cứu. Những lồng dam được ông kết bằng lưới vây kín cả phía trên lẫn dưới có khả năng chịu được trong điều kiện thời tiết mưa lũ không bị trôi mất, không những thế việc thu hoạch cũng đạt 100%.

“Nếu thành công, Tết này, vợ chồng tôi sẽ thu được số tiền khá để quay vòng vốn đầu tư. Sau lũ, vợ chồng tôi tiếp tục vay ngân hàng 250 triệu để làm vốn, mua con giống mới. Bây giờ thì có hi vọng rồi, sống thật rồi”, ông Báu nói.

Phương pháp nuôi dam bằng lồng của ông Báu bước đầu cho kết quả khả quan.

Phương pháp nuôi dam bằng lồng của ông Báu bước đầu cho kết quả khả quan.

Nói đến đây, mắt ông Báu và bà Bà Trần Thị Quý (57 tuổi, vợ ông Báu) sáng rực lên không còn ủ dột như 1 tháng về trước. Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, nhà của ông Báu ngập sâu gần 2m. Trang trại rộng hơn 1,2 ha ở gần đó, do nằm ở vị trí thấp trũng nên bị chìm nghỉm trong nước lũ. Trước khi nước lũ ập đến, vợ chồng ông đã tất tả dùng lưới vây lại ao nuôi cá, kê cao chuồng trại để có chỗ trú ngụ cho 11 con hươu sao, 500 con vịt và 200 con gà đẻ trứng. Toàn bộ tài sản có trong trang trại trị giá khoảng 450 triệu đồng.

“Nước tràn vào trang trại nhanh quá, tôi chẳng kịp làm gì. Lúc đó, 3 tấn cá chưa kịp thu hoạch đã thoát ra khỏi hồ, còn đàn vịt và gà thì bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ. Chỉ còn lại 11 con hươu trị giá hơn 200 triệu đồng đang nhốt trong chuồng, nhưng không có cách gì đưa đi được. Vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau khóc”, ông Báu kể.

Ông Báu sửa lại hệ thống điện tại trang trại bị hư hỏng sau lũ.

Lũ rút, ông Báu trở lại trang trại kiểm tra thì phát hiện 11 con hươu nhốt trong chuồng trương bụng chết hết. Trắng tay sau trận lũ dữ, ông Báu như người mất hồn, thức trắng mấy đêm vì không biết lấy đâu ra tiền để trả khoản vay ngân hàng 200 triệu đồng sắp đến hạn. Số nợ ngân hàng đầu tư vào trang trại chưa trả được nay chẳng còn gì, kiếm đâu ra tiền trả lãi ngân hàng, lấy đâu ra tiền khôi phục lại trang trại?

Thời điểm đó, đã có lúc vợ chồng ông Báu nghĩ quẩn. May mắn, vợ chồng ông được vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên - Công Vinh trao tặng số tiền 200 triệu của mạnh thường quân ủng hộ đồng bào lũ lụt để trả nợ ngân hàng. Giây phút đó, ông Trần Văn Báu bật khóc, ông cầm tiền chạy về tới cổng nhà, gọi vợ trong niềm sung sướng: “Sống rồi bà ơi!”. Ông Báu rớm nước mắt kể lại cho chúng tôi.

Vợ chồng ông Báu là một trong nhiều hộ gia đình nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và cơ quan chính quyền tỉnh Hà Tĩnh để khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn sau lũ.

Mầm rau xanh trên đất lũ quét qua

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm gần như toàn bộ diện tích của xã Tượng Sơn- một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. 47.600m đường liên xã, thôn bị ngập, gây sạt lở hơn 500m công trình giao thông thủy lợi, hàng nghìn m tường rào và công trình dân sinh bị sập, hàng nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại nặng. Đáng nói, là vùng trồng rau xanh lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, cung ứng cho địa phương và các vùng lân cận, mưa lũ đã khiến cho hơn 120 ha vùng dân cư ở xã Tượng Sơn chịu ô nhiễm nghiêm trọng, hàng nghìn ha hoa màu bị chết, hơn 800 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng.

Người dân xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà trồng lại những luống rau sau lũ.

Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của chính quyền và người dân nơi đây, những luống rau lại được tiếp tục gieo hạt. Chỉ vài tháng sau cơn lũ lịch sử, Tượng Sơn đã phủ một màu xanh của những vườn rau sắp thu hoạch, niềm vui, sức sống đã trở lại nơi đây.

Bà Bùi Thị Viện, thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà chia sẻ, khi nước lũ đỗ về, gần 2/3 ngôi nhà của gia đình bà bị ngập suốt 4 ngày. Sau khi nước rút, gần như toàn bộ gần 1ha rau màu là nguồn thu chính của gia đình bà bị thối rửa.

Hình ảnh sau lũ, HTX Thương mại Dịch vụ Hà Trung (xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên) làm đất để chuẩn bị xuốnggiống 3 ha bí đỏ, dưa chuột, củ cải để phục vụ thị trường Tết.

Thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là thức ăn, nước sạch sinh hoạt trở nên cấp thiết. Nhưng, bằng sự quyết tâm vượt qua khó khăn, gia đình bà đã được các mạnh thường quân hỗ trợ tiền mặt, chính quyền hỗ trợ giống cây để khôi phục lại vườn rau, tái thiết cuộc sống. “Đến Tết nguyên đán là gia đình tôi đã có rau để thu hoạch, bước đầu khôi phục được lại cuộc sống. Dân chúng tôi muôn đời quen với bão lũ rồi. Khó khăn là thế, khốc liệt là thế nhưng vẫn chưa bao giờ hết hi vọng, chưa bao giờ thôi yêu quê hương, thôi muốn gắn bó với mảnh đất mà đặc sản là bão lũ”, bà Viện cười phá lên.

Tại xã Cẩm Bình – địa phương chủ lực trong trồng rau vườn hộ của huyện Cẩm Xuyên. Hiện, người dân đã thu hoạch để kịp cung ứng rau, quả cho thị trường Tết. Để hỗ trợ người dân, trước đó, sau khi nước lũ rút, huyện này đã kịp thời phân bổ 4,35 tấn hạt giống ngô các loại, 2,55 tấn hạt giống rau, 41,6 tấn ngọn giống khoai lang chất lượng cao và 1,5 tấn khoai tây.

Vườn dưa chuột Nhật trong nhà lưới của gia đình Võ Văn Ý (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) đã cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán này.

Bùi Thị Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoi-sinh-noi-tam-lu-di-qua-a505202.html