Hồi sinh nét đẹp văn hóa chơi tranh ngày Tết

Những năm gần đây, nhiều họa sĩ đã mở chợ tranh giới thiệu những bức họa 12 con giáp với mục đích làm sống lại trào lưu chơi tranh Tết thủa nào. Nối tiếp thành công của 2 năm trước, năm nay triển lãm 'Tranh Tết Kỷ Hợi 2019' diễn ra tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), đã thu hút hàng nghìn lượt người yêu thích hội họa đến chiêm ngưỡng, mua sắm.

Từ lâu thú chơi tranh đã trở thành một truyền thống đón Tết của người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến, người Việt xưa lại mua tranh về để trang trí hay tặng cho nhau như một lời chúc năm mới sung túc, bình an.

Con giáp là biểu tượng có từ lâu đời đã đi vào các dòng tranh dân gian Việt như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng... Nhiều năm trở lại đây, tranh con Giáp trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của các họa sĩ. Họ chọn tranh con giáp để gửi gắm những tâm tư, suy nghĩ của mình trong năm mới.

Theo tìm hiểu, vẽ tranh Tết vốn là một nét đẹp văn hóa của người phương Đông. Từ xa xưa, trong tranh dân gian có đầy đủ các con như: Chuột có “Đám cưới chuột”, trâu có “Chăn trâu thổi sáo”, hổ có “Ngũ hổ”…

Tuy nhiên, mãi đến năm 1954 nó mới thật sự trở thành trào lưu. Thời điểm đó, họa sĩ Bùi Xuân Phái, người nổi danh với những bức họa phố phường Hà Nội bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Có những năm, họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo để làm quà mừng năm mới cho những người thân quý. Từ khởi xướng trên dẫn đến việc các họa sĩ vẽ tranh con giáp hàng năm và loại tranh này dần trở thành một thú chơi mang màu sắc văn hóa.

Ngoài Bùi Xuân Phái sau này còn xuất hiện các họa sĩ vẽ tranh con giáp nổi tiếng được công chung yêu thích và đánh giá cao như: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc…

Sau một thời gian dài, trào lưu vẽ tranh con giáp bị mai một bởi nhiều người cho rằng chơi tranh Tết là cuộc chơi của nhà giàu do mức giá của loại tranh này khá cao. Tuy nhiên, ngày nay, thú chơi này đã dần quay trở lại theo một cách dân giã và gần gũi hơn, được công chúng nhiệt tình đón nhận.

Một bức tranh được trương bày trong triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019”. (Ảnh: P.N)

Một bức tranh được trương bày trong triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019”. (Ảnh: P.N)

Tại triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019” trưng bày 60 bức tranh của 33 họa sĩ, như Thành Chương, Doãn Hoàng Kiên, Khổng Đỗ Duy, Bùi Phan Trung Dũng... Các bức tranh có giá bán từ 2 triệu đồng đến cao nhất là 70 triệu đồng.

Các bức tranh được trưng bày trong triển lãm không đơn giản chỉ để ngắm mà sâu sắc hơn là mang một đề tài, ý nghĩa, sự sáng tạo trong phong cách thể hiện, chất liệu rất riêng, đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tính thời đại, hiện thực được thể hiện khá rõ trong các bức tranh.

Ví như, với bức tranh “Lợn Mán” và “Tự họa năm Hợi” của họa sĩ Thành Chương, người xem dễ dàng cảm nhận được ngôn ngữ hội họa rất đặc trưng của họa sĩ đó là những mảng tươi nguyên, tương phản mạnh, vừa đậm chất dân gian nhưng cũng không kém phần hiện đại. Hay như tác phẩm “Sung mãn” và “Sung túc” của Lê Trí Dũng được gợi hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở.

Qua những bức tranh các họa sĩ cũng gửi vài đó những tâm tư, trăn trở của mình. Nhiều họa sĩ cho rằng, bây giờ mỗi chúng ta nên giữ lại những giá trị tinh thần cốt lõi của thói quen mua sắm tết. Tết không chỉ là dịp mua sắm hàng hóa, đồ dùng mà phải làm sống lại những giá trị tinh thần văn hóa, trong đó có các tác phẩm hội họa.

Ngoài ra, việc các họa sĩ có một triển lãm chung về linh vật năm Kỷ Hợi không chỉ mang tới cái nhìn phong phú về tranh con giáp, mà còn là cơ hội để người sưu tầm, chơi tranh có dịp lựa chọn những tác phẩm ý nghĩa dịp Tết.

Triển lãm “ Tranh Tết Kỉ Hợi 2019” đã thu hút đông đảo người yêu thích hội họa ở nhiều lứa tuổi khác nhau (Ảnh: P.N)

Triển lãm “ Tranh Tết Kỉ Hợi 2019” đã thu hút đông đảo người yêu thích hội họa tìm đến thưởng thức, mua sắm. Với họ đây không chỉ là nơi để ngắm nhìn các con giáp được vẽ một cách rất khác biệt mà còn là nơi để họ tìm hiểu về trào lưu chơi tranh của người Việt xưa.

Từ việc chọn lọc tác phẩm, kêu gọi họa sĩ khắp mọi miền đất nước tham gia, bố trí, trưng bày không gian chợ tranh Tết để người yêu hội họa thưởng thức, rồi sau đó mới mua bán; triển lãm tranh Tết đã trở thành một sân chơi độc đáo mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Mộc Thanh - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoi-sinh-net-dep-van-hoa-choi-tranh-ngay-tet-86320.html