Hồi sinh nền kinh tế - mục tiêu khó nhằn của Thủ tướng Modi

Ấn Độ đang gặp khủng hoảng. Nền kinh tế của nước này sụp đổ, làm mất đi hàng triệu việc làm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mong manh đang gặp khó khăn bội phần do đại dịch Covid-19. Với hơn 5 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ về số ca nhiễm bệnh được xác nhận.

Ấn Độ đang gặp khủng hoảng. Nền kinh tế của nước này sụp đổ, làm mất đi hàng triệu việc làm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mong manh đang gặp khó khăn bội phần do đại dịch Covid-19. Với hơn 5 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ về số ca nhiễm bệnh được xác nhận.

Nhưng trong khi các nhà lãnh đạo khác đang cảm thấy sức nóng chính trị từ việc họ xử lý đại dịch - chẳng hạn như Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Anh Boris Johnson - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tránh được những chỉ trích gay gắt cũng như đã tránh được kết quả xấu trong các cuộc thăm dò dư luận. Nhưng nguyện vọng hồi sinh nền kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Modi giờ đây dường như trở nên xa vời hơn bao giờ hết do đại dịch Covid-19.

Lao động nhập cư Ấn Độ chen chúc nhau để lên xe buýt về quê hồi tháng 3, khi đại dịch bùng phát mạnh. Ảnh: CNN

Lao động nhập cư Ấn Độ chen chúc nhau để lên xe buýt về quê hồi tháng 3, khi đại dịch bùng phát mạnh. Ảnh: CNN

Ông Modi không bị chỉ trích gay gắt vì Covid-19

So với các nhà lãnh đạo thế giới khác, như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - người coi thường mối đe dọa của đại dịch và coi Covid-19 chỉ là “bệnh cúm nhỏ”, ông Modi đã coi trọng việc giải quyết đại dịch ngay từ đầu và đã hành động nhanh chóng.

Khi ông ra lệnh phong tỏa cả nước vào ngày 24-3, quốc gia 1,36 tỷ dân này lúc đó chỉ có hơn 500 ca nhiễm bệnh và 10 trường hợp tử vong. Ông Asim Ali, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, cho biết bằng cách hành động quyết liệt sớm, ông Modi tái khẳng định hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo quyết đoán, người có thể thực hiện các biện pháp chính trị nghiêm khắc và cứng rắn vì lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng Ấn Độ lại có nhận xét trái chiều về thời gian và hiệu quả của lệnh phong tỏa mà ông Modi đã đưa ra. Nhiều người, trong đó có nhà virus học T. Jacob John, cho rằng, lệnh phong tỏa được áp dụng quá sớm và quá rộng rãi, khi các ca bệnh vẫn còn thấp và tập trung ở các khu vực cụ thể. Do đó, có nhiều người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và chính phủ không có đủ nguồn lực để hỗ trợ các khu ổ chuột, nơi mà các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội là điều không thể thực hiện.

Điều mà hầu hết các chuyên gia không tán thành là việc cấm cửa được áp đặt mà không thông báo hoặc kế hoạch đầy đủ. Có hiệu lực chưa đầy 4 giờ sau khi được công bố, các biện pháp đã đưa đất nước vào bế tắc và gây ra cuộc khủng hoảng di cư. Nhiều người không có lựa chọn nào khác là phải trở về quê hương, nhưng với việc các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, một số đã phải đi bộ hàng trăm ki-lô-mét để về nhà.

Không có phe đối lập thực sự

Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của ông Modi đã khẳng định lệnh phong tỏa là hiệu quả và cần thiết. Người phát ngôn của BJP, Syed Zafar Islam, cho biết: “Nếu chúng tôi không đưa ra lệnh phong tỏa, con số sẽ rất khác ngày hôm nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan hôm 14-9 cho biết lệnh phong tỏa là một quyết định “táo bạo” đã ngăn chặn khoảng... 37.000 đến 78.000 trường hợp tử vong”.

Chiến thắng vang dội của BJP trong cuộc bầu cử quốc gia năm ngoái đã khiến đảng đối lập lớn nhất, đảng Quốc đại, thất vọng và bị kìm kẹp bởi một cuộc khủng hoảng lãnh đạo không hồi kết, cũng như các cuộc nổi dậy từ bên trong. Các nhà phân tích cho biết, phe đối lập cũng manh mún, yếu ớt. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ ít khi đưa tin chỉ trích. Không giống như các nhà lãnh đạo dân chủ khác, ông Modi hiếm khi tổ chức họp báo. Tương tác với giới truyền thông thường được giao cho các bộ trưởng trong chính phủ. Thay vào đó, ông thường có các bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình và đài phát thanh, gây xúc động cho công chúng. Điều này khiến một số công nhân nhập cư bị mất kế sinh nhai trong đại dịch đã không đổ lỗi cho ông Modi về tình trạng khó khăn của họ.

Khi các hạn chế được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, các ca nhiễm bệnh bắt đầu gia tăng với cấp số nhân và lên đến con số 5 triệu hôm 16-9. Ông Laxminarayan, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Princeton, cho biết Ấn Độ không bao giờ có thể kiềm chế được dịch do hệ thống y tế thiếu thốn, mật độ dân số cao và thiếu nhận thức về sức khỏe cộng đồng.

Suy thoái kinh tế

Các chuyên gia cảnh báo, hậu quả kinh tế của đại dịch cuối cùng có thể khiến ông Modi phải trả giá về mặt chính trị.

Khi ông Modi được bầu làm Thủ tướng lần đầu vào năm 2014, ông hứa sẽ cải tổ nền kinh tế Ấn Độ và tạo ra hàng triệu việc làm cho thanh niên. Khi tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, ông đã đặt ra tiêu chuẩn cao hơn rằng BJP sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2032, với quy mô 10.000 tỷ USD. Nhiều tuần sau khi nhậm chức, chính phủ ông Modi cam kết đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD trong 5 năm. Theo ước tính của một số nhà kinh tế, điều đó sẽ đòi hỏi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm.

Nhưng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, nền kinh tế Ấn Độ chững lại. Và bây giờ, lệnh phong tỏa đất nước đã đẩy Ấn Độ vào một cuộc suy thoái lịch sử. Chỉ trong tháng 4, ước tính có khoảng 122 triệu người Ấn Độ mất việc làm, mặc dù con số này đã giảm xuống còn 11 triệu vào tháng 7. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7, khoảng một nửa dân số Ấn Độ có nguy cơ tái nghèo do mất thu nhập và mất việc làm.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_231681_hoi-sinh-nen-kinh-te-muc-tieu-kho-nhan-cua-thu-tuong-modi.aspx