Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô

Văn hóa và Đời sống - Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô từ xưa gắn liền với người dân và mảnh đất làng Hồng Đô, thuộc xã Thiệu Đô xưa, nay là thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa. Trải qua những thăng trầm, đến nay nghề đã và đang hồi sinh, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Công đoạn nuôi tằm ở làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô

Theo lời kể của các cụ cao niên, làng Hồng Đô còn có tên gọi là làng Hồng thuộc tổng Thiệu Hóa, chuyên làm nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt nhiễu.

Tương truyền vào thế kỷ XV, trong một lần Anh hùng dân tộc Lê Lợi bị giặc Minh truy kích, ông đã ẩn náu tại làng Hồng, được người dân mang những tấm nhiễu làm ra phủ lên người để che giấu. Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Lê Thái Tổ đã ban cho làng tên mới là Hồng Đô.

Đầu thế kỷ XX nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô phát triển ngang hàng với các nghề truyền thống trên cả nước như lụa Hà Đông, tơ Nam Định…

Với quy trình sản xuất khép kín cùng bí quyết gia truyền, thương hiệu tơ Hồng Đô đã nức tiếng từ xa xưa.

Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Hồng Đô đã có thời gian bị mai một.

Để duy trì và phát triển ngành nghề, những năm qua cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục, tạo thêm cơ chế hỗ trợ khôi phục nghề, nên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu đã khởi sắc trở lại.

Chị Hoàng Thị Mai ở tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa cho biết: Gia đình tôi có truyền thống từ lâu đời là trồng dâu, hiện nay giống dâu mới mang lại hiệu quả cao hơn.

Chị Hoàng Thị Thành ở tiểu khu 10, thị trấn Thiệu Hóa cho biết: Công đoạn ươm tơ công phu, vất vả hơn nhiều, đòi hỏi độ nóng đồng đều, khéo léo bắt từng sợi tơ vàng óng nhả ra. Tuy nhiên nghề này đã đem lại thu nhập ổn định cho người lao động từ 6- 7 triệu/người/tháng.

Tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức luôn có ý thức trong việc gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.

Vừa làm, vừa học ông đã đưa máy sơ chế kén tằm vào địa phương. Công ty đứng ra thu mua kén tằm cho bà con với giá cao, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Số nguyên liệu này được sơ chế, định hình sản phẩm để tiêu thụ ở nhiều tỉnh trong cả nước và các nước Lào, Thái Lan. Công ty đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động địa phương.

Ông Hoàng Bình Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa cho biết: Trồng dâu nuôi tằm và chế biến tơ tằm có thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp.

Để phát triển ngành nghề, trong những năm qua địa phương đã hỗ trợ giống dâu, phân bón và hệ thống giao thông nội đồng. Với các hộ chế biến, địa phương có chính sách kêu gọi, tạo mặt bằng để thu hút các hộ ra khu làng nghề. Đồng thời đấu mối tìm kiếm thị trường để bao tiêu sản phẩm. Đến nay xã có hơn 200 hộ trồng dâu nuôi tằm ứng dụng trong các công đoạn từ trồng dâu đến ươm tơ.

Nhờ trồng dâu mới năng suất cao hơn so với giống dâu cũ cùng với kỹ thuật ươm tơ phát triển và đầu ra ổn định, làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

Thu Thủy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/hoi-sinh-lang-uom-to-det-nhieu-hong-do/19407.htm