Hồi sinh Hải Vân Quan kiêu hùng

Hải Vân Quan là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự nằm tại đỉnh đèo Hải Vân. Ở độ cao 490m so với mực nước biển, cụm bố phòng quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài, thần công… Bao nhiêu năm trơ gan cùng tuế nguyệt, Hải Vân Quan đang chờ ngày được hồi sinh.

Những thăng trầm lịch sử

Trước năm 2005, khi hầm đường bộ Hải Vân chưa được hoàn thành, đèo Hải Vân là nỗi ám ảnh kinh hoàng với giới lái xe. Đến tận bây giờ, khách đường xa đi qua đèo vẫn thấy rải rác những am, những miếu thờ dọc hai bên những con dốc ngược và cua tay áo thờ những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên đèo.

Chính vì sự hiểm trở đó mà đèo Hải Vân là một “thành lũy” phòng thủ tự nhiên từ xa cho kinh thành Huế thời Nguyễn. Và, cũng nhận thấy được sự quan trọng của “thành lũy” tự nhiên này, nhà Nguyễn đã cho xây dựng Hải Vân Quan ở trên đỉnh đèo để phòng thủ, kiểm soát sự qua lại ở nơi đây.

Ngay từ thời Gia Long, nhà Nguyễn đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Năm 1825, để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, vua Minh Mạng khi qua đèo Hải Vân đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và cho xây bậc đá ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại. Năm 1826, vua xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân với chiếu dụ: “Ngạch trước viết ba chữ Hải Vân Quan, ngạch sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau”.

Sau đó, triều đình đã phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến trấn thủ. Biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; được cấp thiên lý kính (ống nhòm) để xem ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì báo trước. Sau khi xây dựng xong Hải Vân Quan, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, triều Nguyễn tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo và dựng đền thờ thần núi Hải Vân.

Các vị vua triều Nguyễn sau này đều rất quan tâm đến vị trí xung yếu của Hải Vân Quan, đã nhiều lần ra chỉ dụ tăng cường bảo vệ, phòng trừ bất trắc. Tuyến phòng thủ này ngày càng được tăng cường củng cố khi Đà Nẵng bị phương Tây nhòm ngó. Tháng 8-1848, vua Tự Đức cho đắp thêm pháo đài ở cửa ải Hải Vân, năm 1849 đặt thêm 7 cỗ thần công để phòng thủ. Khi đó, Hải Vân Quan là cơ cấu phòng thủ rất kiên cố, có khả năng đẩy lui các cuộc tấn công bất ngờ và kiểm soát có hiệu quả sự qua lại.

Cụm di tích Hải Vân Quan

Cụm di tích Hải Vân Quan

Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự biến đổi của lịch sử, Hải Vân Quan dần mất vai trò quan trọng với triều đình Huế. Trong giai đoạn 1886-1918, khi con đường thuộc địa số 1 vượt đèo Hải Vân được người Pháp khai mở và lưu thông, Hải Vân Quan đã mất đi vai trò của cửa ải phòng thủ phía nam kinh đô Huế.

Trong giai đoạn 1946-1975, nơi đây bị biến thành hệ thống đồn bốt trấn giữ con đường huyết mạch từ Huế vào Đà Nẵng.

Trải qua bao nhiêu năm, với sự lãng quên của con người và sự tàn phá của thời gian, chiến tranh, ngày nay Hải Vân Quan đã bị xuống cấp, hoang tàn. Những tia hy vọng về việc trùng tu lại di tích kiêu hùng này chỉ được nhen nhóm trở lại trong năm 2018, với sự bắt tay của ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Hai phương án hồi sinh

Một buổi sáng tháng 4/2018, lãnh đạo ngành văn hóa của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã gặp nhau để bàn về việc “đánh thức” Hải Vân Quan sau nhiều thế kỷ ngủ yên.

Trong buổi sáng hôm ấy, lãnh đạo ngành văn hóa của hai địa phương đã bắt tay thống nhất sẽ cùng khảo sát và đưa ra phương án tôn tạo di tích nhiều thăng trầm này. Đây là những cái bắt tay lịch sử, bởi trước đó, Hải Vân Quan nằm ở khu vực ranh giới hành chính chưa rõ ràng, nên lãnh đạo ngành văn hóa 2 địa phương chưa ngồi lại để bàn thảo về việc này.

4 tháng sau, với sự làm việc không ngừng nghỉ, một bản báo cáo chi tiết về phương án trùng tu Hải Vân Quan đã được đưa ra. Ngành văn hóa hai địa phương đã khai đào 900m2 tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc của Hải Vân Quan thời Nguyễn. Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn 1946-1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Một lô cốt được xây dựng giai đoạn 1946-1975 xuống cấp nghiêm trọng

Tuyến đường bậc cấp bằng đá từ phía Đà Nẵng lên Hải Vân Quan đã bị phá hủy, dịch chuyển từ hướng Nam sang hướng Tây Nam; tuyến đường Thiên Lý Bắc - Nam xưa từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan về phía Huế bị vùi lấp 1,2-1,5 m so với nền đất hiện hữu...

Có hai phương án phục dựng di tích được đưa ra.

Phương án thứ nhất có tổng kinh phí hơn 39 tỉ đồng; di tích cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ được tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên cửa quan đến nền gốc di tích thời Nguyễn, tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc. Hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá hộc theo dấu vết khảo cổ. Các tường phía Nam phục hồi nhãn pháo, tường che, các ụ đặt pháo. 6 khẩu pháo thần công cùng chòi quan sát bằng khung gỗ, lợp ngói cũng sẽ được phục hồi theo tư liệu...

Phương án thứ hai có tổng kinh phí hơn 23 tỉ đồng, tập trung vào bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước năm 1975. Ở cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ không tháo dỡ các lô cốt mà tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây, khối bê tông cốt thép các lô cốt; phục hồi hệ thống thang lên các lô cốt. Các hạng mục khác gần tương tự như phương án thứ nhất.

Các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đánh giá phương án thứ nhất có ưu điểm hơn, truyền tải được ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của di tích Hải Vân Quan trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của tiền nhân.

Cái bắt tay của lãnh đạo ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã gợi mở bao điều về công cuộc hồi sinh một Hải Vân Quan kiêu hùng, một cách ứng xử văn hóa, nhân văn với lịch sử dân tộc.

Các công trình và các vết tích còn lại của Hải Vân Quan được xây dựng trên độ cao 490m của ngọn Hải Vân hùng vĩ với tư cách là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự đã chứng minh đây thực sự là một trong những quan ải hùng tráng bậc nhất ở Việt Nam.

Thanh Hiếu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hoi-sinh-hai-van-quan-kieu-hung-517213.html