Hồi sinh giá trị dược liệu Việt bằng khoa học công nghệ

Ths. Bá Thị Châm - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt nam đã có công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong bào chế dược liệu qua đó phát triển được nhiều sản phẩm thương mại hóa cao.

Đưa công nghệ nano vào dược liệu

Công trình của thạc sĩ Châm được sử dụng công nghệ lên men làm tăng hoạt chất của thảo dược, sử dụng công nghệ hóa học tinh chế các hoạt chất, sử dụng công nghệ nano bào chế các tinh chất dược liệu, bào chế dạng viên, cốm để bảo quản hoạt chất.

Theo công trình nghiên cứu này thì dược liệu khô sẽ được đưa vào chiết nước nóng hoặc chiết cồn khoảng 45 độ, 70 độ hoặc 96 độ, đuổi cồn cho dịch chiết thảo dược đặc. Sau đó sử dụng enzin thủy phân hoặc chủng VSV được dịch đã làm tăng hoạt chất, tiếp tục tinh chế hoạt chất, loại tạp chất được tinh chất thảo dược. Sau đó tinh chất này được tạo ra hạt nano sinh học, chất mang là chitosan (polyme thiên nhiên). Hoạt chất từ thảo dược dạng nano được sấy tạo bột, độ ẩm nhở hơn 5 % và ta được bột nôn thảo dược, dễ bào chế thành viên nang, hoặc dạng cốm.

Theo thạc sĩ Châm, từ các nguyên liệu thông thường như thu mua đã được lựa chọn theo từng vùng, từng mùa thu hoạch và sử dụng các phương pháp hóa học, sinh học để kiểm tra chất lượng dược liệu trước khi bào chế.

Đối với các nghiên cứu về giống, vùng trồng, điều kiện chăm sóc, thu hoạch để có hoạt chất tốt. Nhóm nghiên cứu kết hợp với nhóm nghiên cứu nuôi cấy mô, nghiên cứu nhân giống bằng nuôi cấy mô, theo dõi hoạt chất qua từng năm và lựa chọn thời điểm thu hoạch thích hợp nhất để cho nhiều hoạt chất.

Nghiên cứu của thạc sĩ Châm đã sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học về tác dụng sinh dược của các cây thuốc và nhóm chất có hoạt tính để xây dựng công thức và dạng bào chế cho phù hợp.

Thạc sĩ Bá Thị Châm trong phòng thí nghiệm.

Thạc sĩ Bá Thị Châm trong phòng thí nghiệm.

Mang lại giá trị thương mại lớn

Nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm của từng bệnh để có công thức phù hợp. Sản phẩm bào chế phải đảm bảo được các công dụng sau: Giải quyết tạm thời triệu chứng của bệnh, giải quyết triệt để căn nguyên sinh bệnh theo triết lý đa đích.

Để cho sản phẩm ra thị trường, theo Thạc sĩ Châm các sản phẩm được thử nghiệm trên bệnh nhân tình nguyện, kết hợp với các phòng chuyên môn về y học lâm sàng để đánh giá tác dụng của sản phẩm khi ra thị trường.

Theo thạc sĩ Châm việc sử dụng công nghệ lên men nội sinh làm tăng hàm lượng các chất chống oxy hóa như sulfur hữu cơ, polyphenol,…Hiện công nghệ này được áp dụng nhiều trong việc lên men chè xanh thành chè đen, tỏi thành tỏi đen.

Công nghệ lên mem giúp làm tăng S-allyl-L-cystein (SAC) lên gấp 4 - 5 lần so với tỏi trắng. Tăng tác dụng giảm cholesterol máu, giảm béo, đặc biệt là mỡ vùng bụng

Đối với công nghệ lên men ngoại sinh các nhà nghiên cứu đã sử dụng vi sinh vật phân lập cộng sinh với dược liệu ví dụ như làm giàu hoạt chất từ cây thông đỏ.

Sử dụng vi sinh vật có khả năng sinh các enzym chuyển hóa các hoạt chất trong thảo dược: Ví dụ như Lipase, transferase, peroxidase, cellulase.

Sau công nghệ lên men, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hóa học để tinh chế các hoạt chất như curcumin, rutin, berberine, quercetine, resveratrol, zerumbone, artemisinin.

Chiết xuất và tinh chế các nhóm chất chính đã được chứng minh là có tác dụng trong thảo dược, giúp hạn loại bỏ tạp chất, tăng hàm lượng hoạt chất chính trong sản phẩm, tăng cường tác dụng của sản phẩm.

Thạc sĩ Châm cho biết hiện công nghệ đã được ứng dụng chuyển giao để sản xuất một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang giá trị thương mại lớn ví dụ như nanocurcumin, nano isoflavone chiết xuất từ mầm đậu nành lên men, viên hành tỏi đen lên men, tiểu đường, giảm mỡ, gout…Các sản phẩm đa số được sử dụng 3 công nghệ cao là chiết xuất chọn lọc, lên men, nano hóa điều khiển kích thước, và chiết lý đa đích trong một sản phẩm.

Trong quá trình nghiên cứu, thạc sĩ Châm cho biết chị với các cộng sự cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là hiện tại, công cụ phân tích chất lượng dược liệu ở Việt nam còn rất thiếu thốn, hầu như chưa phát triển, còn rất sơ khai, phải tự nghiên cứu phương pháp kiểm soát chất lượng. Thời gian công bố sản phẩm quá dài làm cho nhiều doanh nghiệp mới không đủ khả năng về tài chính để chờ đợi. Cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập ngoại.

Trong thời gian tới, để các nhà nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và chuyển giao cho doanh nghiệp, thạc sĩ Châm cho rằng với nhà nước cần có chính sách thúc đẩy trồng dược liệu trong nước, quy hoạch vùng dược liệu cho từng địa phương, giảm thuế cho các đơn vị bào chế dược liệu trong nước để có cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại.

Cơ quan chức năng cần có các cơ chế phù hợp về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, tạo động lực cho nghiên cứu triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Thạc sĩ Bá Thị Châm là nhà khoa học với nhiều nghiên cứu như:

Nghiên cứu hóa học và hoạt tính thần kinh trung ương của thực vật Việt Nam tiềm năng làm thuốc chữa bệnh Alzheimer (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Nghiên cứu công nghệ chiết tách resveratrol từ nguồn thực vật Việt Nam (Bộ Công thương), Nghiên cứu chuyển hóa hợp chất Astilbin trong cây Thổ phục linh (Smilax glabra) thành Taxifolin bằng enzim Beta-glucosidase (Viện Hóa học)…

Ths Châm cũng là tác giả, đồng tác giả của các bài báo đăng trên nhiều tạp chí ISI như Current Applied Physics, New York- Synlett…

Chủ biên Dự án “Công nghệ bào chế thực phẩm chức năng nguồn gốc thảo dược dạng Nano”.

Với thành quả nghiên cứu này, nhà nữ khoa học đã nhận Giải thưởng phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/nha-kh-dien-hinh/hoi-sinh-gia-tri-duoc-lieu-viet-bang-khoa-hoc-cong-nghe-273312.html