Hồi sau mới rõ

DoanhNhanOnline – Với vấn đề quản lý ngoại tệ, việc NHNN 'lùi một bước' trước dư luận khiến nảy sinh câu hỏi: Liệu cơ quan này có 'tiến ba bước' và có thể kiên định như với vàng? Chuyện ồn...

DoanhNhanOnline – Với vấn đề quản lý ngoại tệ, việc NHNN “lùi một bước” trước dư luận khiến nảy sinh câu hỏi: Liệu cơ quan này có “tiến ba bước” và có thể kiên định như với vàng?

Chuyện ồn ào nhất trong tuần qua là quy định về việc cấm cho, tặng ngoại tệ. Xin nói lại cho rõ: đây mới là dự thảo. Nghĩa là đang ở giai đoạn NHNN gửi “bản nháp” để lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia… Nói chung để đến khi văn bản được NHNN chính thức ban hành và có hiệu lực thi hành thì còn phải lâu nữa, còn thay đổi không ít nội dung so với “bản nháp” lần một! Thế mà, câu chuyện đã trở nên ồn ào ngoài sức tưởng tượng của những người đưa ra dự thảo.

Ồn ào không đáng có

Dù là chỗ thân tình với bản bút, luôn sẵn sàng chia sẻ những chủ trương, chính sách mới của NHNN để định hướng dư luận, nhưng lần này vị lãnh đạo Vụ Chức năng của NHNN cũng phải than: “Thôi, anh chưa nói được gì đâu. Anh đang đau đầu với mấy văn bản này lắm…”! Đau đầu là phải, khi chỉ một chi tiết cấm cho, tặng ngoại tệ trong bản dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối đã vấp phải sự phản đối của dư luận, đến mức chỉ sau 2 ngày công bố dự thảo, NHNN phải đưa ra văn bản tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa. Thế nhưng chuyện chưa thể dừng ở đây. Vì cùng với dự thảo trên, NHNN tiếp tục đưa ra nhiều dự thảo thông tư khác nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho công tác quản lý ngoại hối thời gian tới. Vì vậy, sự ồn ào vừa qua thực ra là không đáng có và có phần thái quá.

Song, cũng phải đặt vấn đề tại sao dư luận sớm có phản ứng, thậm chí gay gắt đến vậy, với quy định về ngoại tệ? Vì thực tế, tiền đồng vẫn chưa phải là đồng tiền duy nhất được sử dụng làm phương tiện thanh toán. Ngoại tệ hay chính xác là đô la Mỹ, vẫn đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Tưởng yên mà không

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ có một đợt sóng đáng kể nhất là khi NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 1% vào ngày 28/6. Tỷ giá trên thị trường hồi tháng 7 có lúc lên mức 21.900 đồng/USD. Sau đợt sóng này, thị trường gần như lặng thinh, cho dù đã không ít ngân hàng, vì “buồn“ do tín dụng tăng thấp, lợi nhuận sụt giảm nên thi thoảng lại đã cố tình tạo sóng cho tỷ giá nhằm gỡ gạc chút lợi nhuận. Nhưng tỷ giá chỉ nhúc nhích chút ít, rồi nhanh chóng giảm và đi ngang. Cập nhật đến ngày 8/11, Vietcombank đang bán ra USD ở mức 21.145 đồng/USD, tăng nhẹ và cao nhất trong số các ngân hàng thương mại. Còn giá mua vào của ngân hàng này là 21.080 đồng/USD.

Có nhiều yếu tố ghìm cương khiến tỷ giá yên ắng trong thời gian qua: cầu ngoại tệ sụt giảm do các doanh nghiệp, bao gồm cả xuất và nhập khẩu không có nhiều đơn hàng, kéo theo không có nhu cầu cao về mua, bán ngoại tệ. Trong khi đó, cung ngoại tệ từ đầu năm đến nay lại khá dồi dào: Vốn đầu tư FDI nổi lên là điểm sáng với trên 15 tỷ USD vốn đăng ký; đã giải ngân khoảng 9 tỷ USD. Vốn ODA qua các dự án đã ký kết cũng vào khoảng 4,6 tỷ USD; đã giải ngân gần 3 tỷ USD. Thêm vào đó, lượng kiều hối năm nay cũng tăng mạnh với con số dự báo khoảng 8 tỷ USD… Đặc biệt, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng (cả chính ngạch và nhập lậu) đã giảm đáng kể.

Trở lại vấn đề quản lý ngoại hối, mục tiêu của cơ quan quản lý là trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam. Chính vì vậy, mục tiêu chống đôla hóa trong nền kinh tế đã được triển khai hàng thập kỷ nay. NHNN đã nhiều lần tính đến phương án kết hối ngoại tệ mỗi khi tỷ giá căng thẳng. Hiện NHNN vẫn yêu cầu một số doanh nghiệp, tổng công ty lớn buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng. Những khách hàng được vay vốn bằng ngoại tệ đều có yêu cầu kèm theo là có nguồn thu bằng ngoại tệ và cam kết bán lại cho ngân hàng. Hay đưa ra phương án yêu cầu kết hối kiều hối: người dân nhận ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về buộc phải “đổi” sang tiền đồng ngay tại ngân hàng… Nhắc lại như vậy để thấy, thời gian dài vừa qua và với thực tế của một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như chúng ta hiện nay, ngoại tệ vẫn chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Gì chứ việc quỹ dự trữ ngoại hối sụt giảm là điều đặc biệt đáng quan ngại. Gần đây, có chuyên gia nói quỹ này của Việt Nam hiện vào khoảng 7 tuần nhập khẩu. Nhưng đây chỉ là con số dự tính. Vì, về nguyên tắc chỉ có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đủ thẩm quyền công bố con số này (khi được sự cho phép của Chính phủ). Lần công bố quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia gần đây nhất là từ thời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Chính vì vậy, việc khẳng định “quỹ dự trữ ngoại hối được cải thiện” chỉ là… trên lời nói thế thôi, chứ chưa có con số chính thức nào được công bố.

Việc có những thông tư hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực trong thực hiện Pháp lệnh Ngoại hối là cần thiết. Và trước sau gì NHNN cũng từng bước thực hiện siết lại thị trường ngoại hối. Nhưng, ngoại tệ mạnh nói chung và đồng đô la Mỹ nói riêng thực tế là tiền tệ. Việc loại chúng khỏi lưu thông sẽ không đơn giản như vàng – một loại hàng hóa NHNN có thể kiểm soát phần lớn từ khâu nhập khẩu đến sản xuất “hàng” thành phẩm. Vì vậy, về vấn đề chống đôla hóa, hay quản lý ngoại tệ, theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – một người có nhiều năm kinh nghiệm trên “chiến trường” ngoại hối: vấn đề nằm ở niềm tin. Chính niềm tin của người dân vào tiền đồng làm cho giá trị của đồng nội tệ ổn định và có giá hơn. Nhà nước phải đảm bảo cho sự ổn định giá trị của đồng tiền quốc gia làm sao để người dân nắm giữ tiền đồng thấy không bị thiệt thòi.

Khi đôla Mỹ không còn vị thế trong nền kinh tế, không còn là đồng tiền được sử dụng phổ biến, thì tất yếu không cần cấm người dân cũng không còn sử dụng, dự trữ nhiều như hiện nay. Nhưng, đó là chuyện có lẽ rất lâu nữa chúng ta mới làm được.

Một số thông tư liên quan đang được soạn thảo
Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng.
Thông tư hướng dẫn mở, sử dụng tài khoản, đăng ký, đăng ký thay đổi tài khoản và tiến độ chuyển ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Thái Thanh

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/hoi-sau-moi-ro/