Hội quán nông dân

Theo nguồn tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm này, tỉnh đã hỗ trợ các mô hình hội quán (HQ) của nông dân 35 máy vi tính, 28 wifi, 20 tivi/máy chiếu, 37 điện thoại thông minh, xây dựng website.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao đổi với nông dân ở Canh Tân hội quán thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Ảnh: SGGP

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao đổi với nông dân ở Canh Tân hội quán thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Ảnh: SGGP

Việc hỗ trợ nhằm gắn kết giữa người dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tiến tới sẽ thực hiện kết nối hội nghị trực tuyến với các HQ nhằm chuyển tải thông tin nhanh chóng, kịp thời. Cuối tháng 3 vừa qua, Ban chủ nhiệm các HQ cũng đã được tham gia chuyến đi tập huấn, tham quan thực tế tại TPHCM để tìm hiểu về thị trường nông sản, đồng thời nâng cao kỹ năng lãnh đạo cộng đồng.

HQ là mô hình tập hợp nông dân (tự nguyện) và cũng là “đặc sản” của tỉnh Đồng Tháp, hầu như chưa có địa phương nào thực hiện. Kể từ khi HQ đầu tiên được thành lập tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành) vào tháng 6.2016, đến nay tại Đồng Tháp đã thành lập được 45 HQ gắn với từng ngành hàng đặc trưng của các địa phương (lúa, xoài, hoa - kiểng, cam, quýt…). Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng: HQ nông dân ở Đồng Tháp là mô hình do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ chuyện xóm, chuyện nhà. Theo dõi các buổi sinh hoạt của các HQ chưa thấy người dân nào đòi hỏi thù lao hay phụ cấp gì. Bà con đã hiểu rằng mình đang lo cho chính mình, rằng đó chính là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Bà con đã dần nghĩ rằng chia sẻ kiến thức để giúp người khác chính là tự giúp mình.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, mô hình HQ được “người trong cuộc” là những thành viên hồ hởi đón nhận, nhưng “người bên ngoài” còn không ít mơ hồ, thậm chí băn khoăn, hoài nghi về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, hiệu quả và sự bền vững của các mô hình này.

Cũng phải thôi! “Cái gì mới ra đời cũng có ý kiến này, ý kiến khác” đúng như nhận xét của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tuy nhiên, sự lan tỏa nhanh của mô hình HQ cho thấy hình thức tập hợp, sinh hoạt này có sự đồng thuận của người dân, lại được chính quyền tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ thiết thực để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, có cơ sở để đặt niềm tin và hy vọng đây là một mô hình không “hữu danh vô thực”.

LÊ NHƯ GIANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/hoi-quan-nong-dan-605171.ldo