Hội quán nông dân - Mô hình 'đặc sản' của Đồng Tháp

Mặc dù mới chỉ ra đời và hoạt động hơn 03 năm, nhưng mô hình Hội quán tại Đồng Tháp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành Trung ương, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư địa phương.

Nơi sẻ chia và cùng nhau phát triển

Tại Minh Tâm Hội quán (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), các thành viên chủ yếu là nông dân trồng xoài, đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phun tưới tự động cho xoài, bán xoài qua mạng với mô hình “Cây xoài nhà tôi”; tham gia CLB Nông dân với internet, trong đó hướng dẫn nông dân sử dụng internet, hùn vốn để sắm điện thoại thông minh cho thành viên… “Bà con tham gia sinh hoạt Hội quán được hơn 30 kỳ, thấy rất ấm cúng, chan hòa và gần gũi. Tại đây, bà con chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, không còn cảnh “giấu nghề” nữa, các nhà khoa học cũng đến hỗ trợ nông dân…”, chủ nhiệm Minh Tâm Hội quán chia sẻ.

Hoạt động của Hội quán không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, còn đóng góp ngược lại cho hoạt động của chính quyền địa phương. Điển hình là Nông Tân Hội quán (xã Tân Long, huyện Thanh Bình) đã chung tay cùng với chính quyền làm tốt công tác vận động giải phóng mặt bằng; Thành Tâm Hội quán (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) ngoài sản xuất, bà con còn tích cực tham gia quản lý an ninh trật tự, thành lập Tổ cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội quán nông dân tại Đồng Tháp.

Ông Võ Thanh Vân - Chủ nhiệm Nông Tân Hội quán cho biết: Để xây dựng Nông thôn mới thì phải có mặt bằng để xây dựng kết cấu hạ tầng cầu, đường nông thôn, vì vậy Hội quán đã chủ động cùng chính quyền vận động bà con đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, với sự tác động các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ để người dân tham gia, góp phần thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới.

Đáng chú ý, ở Đồng Tháp còn có một Hội quán khá “khác biệt”, đó là Bình An Hội quán (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò), được ra đời trên nền tảng một HTX sản xuất nông nghiệp. Ông Giám đốc HTX Bình Thành đồng thời là Chủ nhiệm Bình An Hội quán Nguyễn Văn Đời cho biết: “Hai tổ chức này hoạt động bổ trợ cho nhau, thành viên Hội quán được hưởng lợi từ các dịch vụ của HTX, ngược lại có những vấn đề HTX không giải quyết được thì Hội quán có thể”.

Sự đồng hành của chính quyền và ý nghĩa về hiệu quả xã hội

Ông Nguyễn Văn Truyện - Chủ nhiệm Minh Tâm Hội quán nói: “Hội quán không đơn độc, luôn luôn có sự đồng hành của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp”.

Theo đó, để hỗ trợ việc sinh hoạt của Hội quán, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và vận động hỗ trợ các trang thiết bị như: Máy tính, máy chiếu, tivi, máy đo độ PH, máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đường truyền cáp quang…

Bên cạnh đó, tỉnh đã kết nối trực tuyến các cuộc họp, hội nghị quan trọng đến bà con Hội quán để nâng cao kiến thức cho người dân; tổ chức các chuyến khảo sát thực tế, học tập tại TP. HCM cho Chủ nhiệm Hội quán…

Nói về mô hình này, PGS - TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Trong thời gian 03 năm, từ một Hội quán ban đầu đã phát triển lên 84 Hội quán. Đây là sự thành công và dấu ấn rất đặc biệt. “Khi nhìn nhận đóng góp của Hội quán không chỉ nhấn mạnh đến tính hiệu quả, kết quả thuần túy mà phải đo lường bằng sự liên kết, kết nối của những người dân với nhau để có sự toàn diện hơn; không nên áp dụng mô hình một cách cứng nhắc vì mỗi Hội quán có sự khác nhau, rất đa dạng; cần nhìn nhận rõ hơn những hạn chế của mô hình này để khắc phục”, PGS - TS Bùi Văn Huyền nói.

Tiến sĩ Lê Hữu Phước - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP. HCM cũng đưa ra nhận định: Bên cạnh mục tiêu kinh tế, mục tiêu thúc đẩy khoa học kỹ thuật, còn có mục tiêu văn hóa xã hội, nhằm tạo sự tin tưởng, sự gắn bó của cộng đồng để chia sẻ tình làng, nghĩa xóm, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến tới xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, văn hóa.

Trước kết quả từ mô hình Hội quán hôm nay, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan mong muốn mỗi người dân hãy cùng đứng lên làm chủ xóm làng, làm chủ quê hương, mảnh vườn, thửa ruộng của mình; tự quyết và tự quản những vấn đề với trách nhiệm thuộc về mình mà không cần phải trông chờ, ỷ lại vào ai. Hãy làm một “cuộc cách mạng” trong chính mình để thay đổi tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội và cho thế hệ tương lai...

Nguyệt Ánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-quan-nong-dan--mo-hinh-dac-san-cua-dong-thap-post69627.html