Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật VN tham dự Hội nghị tập huấn trợ giúp pháp lý

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị 'Tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2019' cho 85 đại biểu là lãnh đạo hội Luật gia các tỉnh thành phía Bắc và các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Thực hiện Quyết định số 705/QĐ – TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017- 2021, Kế hoạch năm 2019 triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021", sáng 29/11, Trung ương hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị Tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Hội Luật gia các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam năm 2019 tại tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam đã Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội phát biểu khai mạc và điều hành chương trình làm việc của hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, năm 2014, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương hội để thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Hội xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình, giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội.

Ở địa phương, Hội Luật gia Việt Nam tại các tỉnh, thành phố đều là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp. Đại diện của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hoạt động của hội đồng, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, TS.LS. Nguyễn Đình Lục - Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam trình bày tham luận “Nâng cao kỹ năng cho báo cáo viên về tuyên truyền pháp luật”. Theo TS.LS. Nguyễn Đình Lục, người báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần trau dồi kỹ năng về tuyên truyền bằng lời nói. Để có kỹ năng này, người trình bày là các báo cáo viên phải có kỹ năng sư phạm, phải có sự chuẩn bị kế hoạch chu đáo, phải xác định được trọng tâm về vấn đề định phổ biến...

TS.LS. Nguyễn Đình Lục, Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam trình bày tham luận.

Chủ tịch hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tùy từng điều kiện, địa phương cụ thể, người tuyên truyền có thể sử dụng từ địa phương để tăng tính tương tác, đồng thời phải có kỹ năng gây ấn tượng với người nghe để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Ngoài ra, người tuyên truyền cần tạo được độ tin cậy, tin tưởng cho người nghe, cử chỉ, phong thái, nét mặt buổi giao tiếp ban đầu cũng rất quan trọng...

Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 được ban hành nhằm nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy trách nhiệm của Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, hướng về cơ sở.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân”.

Chương trình xác định 07 nhóm mục tiêu cụ thể, bao gồm: (i) Tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi về các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành với nội dung và hình thức phù hợp; (ii) Cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm được cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới ban hành theo chương trình học tập pháp luật bắt buộc; (iii) Cung cấp thông tin, tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy pháp luật; (iv) Các nhà trường triển khai phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo chương trình giáo dục chính khóa, các hoạt động ngoại khóa, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật; (v) Các nhóm đối tượng đặc thù được tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên biệt; (vi) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; (vii) Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu, kết quả đã đạt được của công tác PBGDPL thời gian qua, nhất là sau 03 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như kết quả tổng kết thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL giai đoạn 2011 - 2016 và những năm trước đó, đồng thời khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế và nguyên nhân từ thực tiễn.

Chương trình đề ra 06 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: (i) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ và người dân trong PBGDPL; (ii) Tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đồng bộ Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; (iii) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL; (iv) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (v) Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; (vi) Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL.

Minh Chánh

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hoi-pho-bien-va-tham-van-phap-luat-vn-tham-du-hoi-nghi-tap-huan-tro-giup-phap-ly-65503.html