Hồi nhỏ tôi từng đạp xe 18 km để tìm mua tập truyện tranh mới

Có những hôm truyện về muộn hơn so với dự kiến, có khi sáng hoặc chiều ngày hôm sau, sốt ruột tôi đạp xe xuống thị trấn huyện khác để tìm mua.

Sự tích trầu cauSọ dừa là những cuốn truyện tranh đầu tiên mà tôi có được. Tôi còn nhớ, năm lớp 1, bố mẹ tôi quyết định xây nhà ngói thay cho ngôi nhà tranh vách đất thấp lè tè, trên mái toàn giấy dầu cùng những thanh nứa với lạt buộc chằng chịt như con nít đùm bánh chưng.

Cơn khát truyện tranh, truyện trinh thám thiếu nhi

Vốn thoát ly sớm và đều là công nhân, nên bố mẹ tôi cũng vất vả. Ngoài giờ làm ở nhà máy ra, bố mẹ tôi vẫn hì hụi với ruộng mía, đồi chè để có thêm thu nhập. Do điều kiện như thế, nên để xây được gian nhà khang trang, bố mẹ tôi cần anh em, họ mạc giúp đỡ rất nhiều. Hôm ấy, bác tôi (phụ trách khối tiểu học và mầm non ở phòng giáo dục của một huyện tỉnh Hà Tây) từ quê mang lên cho bố mẹ tôi vay 2 chỉ vàng, quy ra tiền vừa đủ tiền để mua 2 vạn gạch chỉ. Ngoài ra, bác còn mang một túi kẹo bon bon và 2 quyển sách như đã kể ở trên, để làm quà cho tôi.

Vào thời điểm đó, với những đứa trẻ ở vùng bán sơn cước như tôi có hai cuốn truyện đó là rất oách. Nhìn quanh trong xóm, bạn bè tôi chẳng đứa nào có truyện để đọc. Thế là, những lúc rảnh rỗi, mấy chị em chúng tôi mắc võng ở bên cái lán dựng tạm, cách nền móng ngôi nhà đang xây dở mấy mét, đọc sách và thả trí tưởng tượng của con trẻ vào trong những câu chuyện cổ tích.

Những cuốn truyện tranh, truyện trinh thám thiếu nhi luôn được trẻ em đón đợi

Những cuốn truyện tranh, truyện trinh thám thiếu nhi luôn được trẻ em đón đợi

Vài ba năm sau, tôi có điều kiện được tiếp xúc với sách truyện nhiều vì có cơ hội được ra “bám” mặt đường sớm hơn dự kiến. Tôi còn nhớ, năm 1991, tình hình kinh tế khó khăn, nhà máy nơi bố mẹ tôi công tác tinh giản tới 30 biên chế. Người về hưu non, người về mất sức, còn mẹ tôi được giải quyết trợ cấp thôi việc (còn gọi là về một cục, nghỉ 176) với số tiền là 600.000 đồng. Nhưng số tiền này không được đầu tư đúng chỗ... Do vậy nên nhà tôi đã gặp không ít khó khăn. Bác dâu tôi ở Hà Nội sau đó đã cho mẹ một ít tiền để làm vốn...

Những ngày đầu, mẹ tôi quẩy đôi quang gánh đi chợ với chục cân gạo, đôi ba cân đỗ xanh, đến xâm xẩm tối mẹ lại gánh về. Thấy mẹ vất vả, lại không có chỗ trú nắng che mưa, bố tôi mới xin dựng tạm cái quán cạnh cái ki ốt của nhà máy. Ở cái ki ốt này, tôi có dịp chơi với cái Hiền, thằng Định và thằng Nghĩa. Chúng nó đều có điều kiện cả. Hiền kém tôi hai tuổi, bố nó là giám đốc nhà máy, cửa hàng tạp hóa nhà nó lớn nhất khu ki ốt, bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, kim chỉ, đá lửa… đến thuốc tây. Định bằng tuổi tôi, bố nó làm kiểm lâm, còn Nghĩa kém tôi ba tuổi, bố nó công tác ở ngoài Hà Nội.

Cả Hiền, Định và Nghĩa đều có rất nhiều truyện tranh, truyện trinh thám thiếu nhi, mà toàn loại “hot” thời bấy giờ. Cái Hiền có gần như đầy đủ các tập Doremon, Tứ quái TTKG, sau là Sáu người bạn đồng hành, Ngũ quái Sài Gòn… Thằng Định và thằng Nghĩa có Dũng sĩ Hesman, sau là Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Subasa, Jindo đường dẫn đến khung thành... Chiều thứ 6 hàng tuần, chúng nó đều đặn có tập truyện mới trên tay.

Tứ quái TKKG của tác giả Stefan Wolf, NXB Kim Đồng xuất bản những năm 90 thế kỷ trước.

Từ khi được chơi và tiếp xúc với Hiền, Định và Nghĩa, tôi cũng được “hưởng sái” ít nhiều. Nhưng cái gì cũng phải “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, thằng Định nói với tôi thế. Để mượn được sách của nó với thằng Nghĩa, tôi phải có “món” gì đó để đổi chác. Còn cái Hiền thì thoải mái hơn, nó cho tôi mượn “miễn phí”, nhưng phải giữ gìn sách truyện của nó hết sức cẩn thận.

Được sống trong môi trường giàu “văn hóa đọc” như thế nên tôi cũng thỏa cơn thèm đọc sách và được sống cùng các nhân vật truyện mà những người ở lứa tuổi chúng tôi khi nhắc tới chắc hẳn ai cũng nhớ.

Thấp thỏm chờ đợi đến ngày các truyện ra tập mới

Ban đầu, tôi hay mượn truyện mấy đứa đọc, rồi sau đó tôi cũng tự mua cho mình những cuốn truyện tranh đầu tiên cho mình. Hồi ấy, mỗi sáng tôi được bố mẹ cho 500 đồng vừa đủ để mua cái bánh mỳ không nhân, còn giá trung bình một cuốn truyện tranh lúc đó giá khoảng 2.500 đồng (Dũng sĩ Hesman) đến 3.000 đồng (Doremon). Với những tập truyện Doremon dài, in màu giá còn cao hơn nhiều. Như vậy, để có 1 cuốn truyện tranh tôi phải nhịn ăn sáng cả tuần liền. Cũng như bao những trẻ khác, tôi cũng thấp thỏm chờ đợi đến ngày các truyện ra tập mới.

Thông thường tôi hay đạp xe xuống hiệu sách nhân dân huyện ở dưới thị trấn để mua. Quãng đường cả đi lẫn về là 6 km. Nhưng có những hôm truyện về muộn hơn so với dự kiến (có khi sáng hoặc chiều sau), sốt ruột tôi lại đạp xe xuống thị trấn huyện khác mua. Quãng đường cả đi lẫn về lần này gấp 3 lần so với trước. Mỗi lần mua được tập truyện mới là cả tối đó tôi ngồi một mình một góc để tận hưởng “thành quả”, còn cả nhà tôi chụm đầu lại xem phim Ô sin

Các hiệu sách nhân dân huyện gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Nhân vật tôi rất thích trong các truyện đọc hồi đó là Peter Carsten (biệt danh là Tarzan) trong truyện Tứ quái TKKG. Cậu ấy là thủ lĩnh của nhóm và rất giỏi các môn Judo, bóng chuyền, chạy nước rút. Cậu ấy cũng luôn biết cách vượt lên số phận (bố cậu ấy mất sớm) để trở thành một học sinh gương mẫu. Peter luôn có mặt ở các điểm nóng trong các vụ việc và thường hạ gục các tên tội phạm to lớn hơn mình nhiều...

Lên cấp 2, trường tôi có mở một thư viện. Gọi là thư viện, nhưng đầu sách không nhiều lắm, cỡ khoảng 200 cuốn cho cả giáo viên lẫn học sinh. Lúc này, bên cạnh những cuốn truyện tranh, tôi bắt đầu được tiếp xúc những tác phẩm văn học cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam và nước ngoài như: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Dế mèn phiêu lưu ký, Đội thiếu niên tình báo bát sắt, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Dũng sĩ chép còm, Đất rừng phương Nam, Kính vạn hoa, các truyện trong Tủ sách vàng của NXB Kim Đồng,… Khi đọc hết những truyện này, tôi bắt đầu đọc lan sang cả sách của giáo viên dạy văn như Tuyển tập Nam Cao, Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan...

Hồi ấy, ở đầu xóm tôi có một thầy giáo dạy văn và là hiệu trưởng của một trường PTTH. Sách của thầy phải gấp mấy cái thư viện trường tôi. Thằng Ca con thầy kém tôi 4 tuổi thi thoảng lấy sách của bố nó cho tôi đọc, đổi lại tôi cho nó các cuốn truyện tranh của mình. 4 năm trước gặp thầy, tôi có kể câu “đổi chác” này cho thầy nghe. Thầy cười nói: “Em nó giờ lấy vợ rồi, đang làm trên sở giáo dục. Còn em, ở Hà Nội, khi nào có cuốn sách hay mang về cho tôi mượn nhé!”,

Tôi viết những dòng này vì muốn lưu giữ mãi ký ức của tuổi thơ. Khi viết tới đây tôi thầm nhủ: Định, Nghĩa, Hiền giờ ở đang đâu? Chúng mày có còn nhớ…

Minh Châu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hoi-nho-toi-tung-dap-xe-18-km-de-tim-mua-tap-truyen-tranh-moi-post999594.html