Hội nhập kinh tế quốc tế: Ưu tiên thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực

Nhiệm vụ ưu tiên của hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới là đảm bảo khai thác hiệu quả các hiệp thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực như Hiệp định CPTPP, EVFTA và các hiệp định của ASEAN với các nước đối tác. Đồng thời xây dựng Chương trình hành động Ban Chỉ đạo liên ngành, trong đó thực thi ngay Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực vào tháng 8 tới.

Chiều ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, nhằm rà soát kết quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo (Ảnh: Lê Chí)

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo (Ảnh: Lê Chí)

Nhiều điểm sáng

Báo cáo công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015 – 2020 và phương hướng giai đoạn mới, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế - cho biết, thời gian qua, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra sôi động và đạt những thành tựu tích cực, góp phần khẳng định vai trò trọng tâm của hội nhập kinh tế trong hội nhập toàn diện.

Trong đó, điểm sáng của hoạt động này là đã tham gia đàm phán, ký kết và thực thi các FTA. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đã tam gia các phiên họp trong khuôn khổ các Hiệp định kinh tế thương mại mà Việt Nam đã thực thi, hoặc đang tham gia đàm phán, nổi bật là FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Quốc hội hai bên phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực vào tháng 8/2020, nâng tổng số FTA Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn lên tới 13 FTA.

Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang tích cực tổ chức các cuộc họp trực tuyến để thúc đẩy hợp tác nội ngoại khối với mục tiêu tăng cường hợp tác và phối hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và linh hoạt, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện sau đại dịch. Ngoài ra, Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong… Đồng thời, vận động chính trị, ngoại giao thành công 19 đối tác, nâng tổng số các đối tác chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam lên 71 nước.

Đối với hoạt động trong nước, việc triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị đã đạt được kết quả tích cực. Theo đó, đã kiện toàn cơ chế và tổ chức chỉ đạo, điều hành công tác hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng, tạo sự thống nhất trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, từ trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành liên quan với nhau.

Riêng về công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước, với nhiều hình thức và nội dung phong phú.

Đánh giá cao hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, hoạt động này được triển khai bài bản, hiệu quả, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của dất nước, góp phần mang lại nhiều thành quả quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và an ninh của đất nước. “Việc thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đánh dấu bước chuyển quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế sang giai đoạn mới hội nhập và liên kết sâu rộng và toàn diện với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 đổi mới và hội nhập”- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế triển khai hiệu quả các nhiệm vụ hội nhập thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế (Ảnh: Lê Chí)

Phối hợp thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực

Năm 2020, diễn biến toàn cầu hóa có bước đi mới, nhanh, phức tạp, như xu hướng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới đã tác động mạnh, không chỉ đến phòng vệ thương mại các nền kinh tế thế giới mà còn ảnh hưởng đến chính trị, thương mại. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế - cho rằng, đây chỉ là một xu thế, nhưng rõ ràng với sự lan tỏa trong thời gian qua là câu chuyện đáng suy ngẫm. Và các bộ ngành cần có những đánh giá, tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế và Chính phủ.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cho thấy sự liên kết giữa các chuỗi cung ứng bị lỏng lẻo, xảy ra đứt đoạn chuỗi cung ứng... Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần bàn thảo rất kỹ những cam kết có trong Hiệp định, nhất là trong Chương trình Hành động của Chính phủ sắp ban hành và từng bộ, ngành phải có trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến chuyển biến của công nghệ, đặc biệt nhu cầu chuyển đổi số trong phạm vi kinh tế quốc gia. Đây chính là các yếu tố sẽ đối chiếu trong chương trình hành động giai đoạn sắp tới.

Một yếu tố then chốt đó là câu chuyện này phải được đánh giá trong từng thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành, Thứ trưởng các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo trong câu chuyện thực thi hội nhập trong ngành của mình để đảm bảo hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị, phải đánh giá kỹ việc triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo liên ngành trong đó không chỉ về hội nhập kinh tế mà cả hội nhập trong an ninh, quốc phòng. Sự đồng bộ gữa các thành viên Ban Chỉ đạo rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có Chương trình hành động của Chính phủ, xác định rõ từng thành viên trong việc tham mưu để đôn đốc kiểm tra. Đặc biệt, cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng về năng lực thể chế để tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA. Tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá trong cam kết hội nhập, đồng thời tổng hợp, đánh giá báo cáo cụ thể. Khi có chương trình hành động thì cần xây dựng một cách thường xuyên, mặc dù không kiểm tra thường xuyên nhưng phải có cơ chế báo cáo.

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, các thành viên trong Ban chỉ đạo tiếp tục tăng cường bám sát, dự báo tình hình, từ đó, nghiên cứu xem xét, chỉ đạo để có sự định hướng, chủ động của các cơ quan để đảm bảo thực thi hiệu quả các hiệp định FTA.

Nhiệm vụ ưu tiên của hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới là đảm bảo khai thác hiệu quả các hiệp thương mại tự do đã có hiệu lực, đặc biệt Hiệp định EVFTA. Xây dựng Chương trình hành động Ban Chỉ đạo liên ngành trong đó thực thi ngay Hiệp định EVFTA”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế năm 2020 rà soát kết quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới (Ảnh: Lê Chí)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đã khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đánh giá môi trường quốc tế trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các xu hướng liên kết mới và trọng tâm hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và toàn cầu sau đại dịch, các vấn đề xung đột thương mại, các thể chế đa phương… có tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các hiệp định của ASEAN với các đối tác; tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai các cam kết, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang đàm phán, tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

“Đối với các Hiệp định đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA, cần tuyên truyền thông tin cho doanh nghiệp, địa phương theo cách thức mới như qua mạng, hỏi đáp trên mạng, nhắm vào đối tượng khác nhau, ngành hàng khác nhau, làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dễ hiểu nhất” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện thành công các nhiệm vụ hội nhập ASEAN trong năm Chủ tịch 2020; tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương tầm khu vực và toàn cầu như APEC, WTO… Đồng thời, nâng cao vai trò của Văn phòng Ban Chỉ đạo hơn nữa, bởi văn phòng là nơi phối hợp các bộ, ngành các cấp, giải quyết các vấn đề về kinh tế quốc tế hội nhập.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-uu-tien-thuc-thi-hieu-qua-cac-fta-da-co-hieu-luc-140673.html