Hội nhập chiến lược

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều căng thẳng, tự do thương mại đa phương bị đe dọa, việc các nước, trong đó có Việt Nam, tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế đa phương là điều vô cùng quan trọng. Trong năm 2019, Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác nói chung đã đạt được những thắng lợi lớn trong quá trình hội nhập kinh tế đa phương, góp phần làm thay đổi ít nhiều cục diện kinh tế thế giới vốn đang trong nguy cơ suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng. Nói cách khác, hội nhập kinh tế đa phương ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn có ý nghĩa chiến lược nhất định.

Phát triển hệ thống cảng biển là yêu cầu có tính cấp bách nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hội nhập. Ảnh: CTV

Phát triển hệ thống cảng biển là yêu cầu có tính cấp bách nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hội nhập. Ảnh: CTV

CPTPP: Tăng cường thương mại tự do

Sau nhiều vòng đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào ngày 30-12-2018 khi có 6/11 quốc gia thành viên là Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore chính thức phê chuẩn. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.

Việc CPTPP có hiệu lực là một bước đi đúng hướng trong bối cảnh môi trường chính sách thương mại hiện nay khó đoán định. Thỏa thuận thương mại này giúp duy trì và thúc đẩy động lực của quá trình tự do hóa thương mại khi chủ nghĩa đa phương theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bị cản trở. CPTPP thiết lập các luật lệ thương mại tiến bộ và chấp nhận được liên quan mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời, giúp phát triển hơn nữa thị trường sống động khắp châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương, mang lại ý nghĩa rất lớn đối với thương mại toàn cầu.

Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Điểm nhấn EVFTA và EVIPA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết ngày 30-6-2019, tại Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả Liên minh châu Âu (EU), vì tạo cơ sở để quan hệ kinh tế giữa hai bên có thể phát triển hiệu quả theo cả chiều rộng và chiều sâu. Việc có thể tự do tham gia vào một thị trường lớn và thống nhất như EU là cơ hội hiếm có của Việt Nam - quốc gia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 240 tỷ USD, chưa bằng 1,3% GDP của EU. Tuy nhiên, đối với EU, việc ký được các hiệp định "tiêu chuẩn cao" này với Việt Nam - quốc gia XHCN và là nền kinh tế đang phát triển - cũng là một thành tựu không nhỏ bởi những ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Về phía Việt Nam, Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá; giúp tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU; tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam, nâng vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam lên nhiều lần.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033). Dù đi kèm những thách thức, như khả năng cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, song rõ ràng, Việt Nam được rất nhiều từ các thỏa thuận kiểu này.

Tham gia hiệp định thương mại siêu khu vực: RCEP

Ngày 4-11-2019 là một ngày đáng nhớ đối với tiến trình nhất thể hóa khu vực châu Á. Hội nghị cấp cao Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), lần thứ 3 đã đưa ra tuyên bố chung, tuyên bố 15 nước thành viên của RCEP trừ Ấn Độ, đã hoàn tất các cuộc đàm phán bằng văn bản cũng như về cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường, đồng thời sẽ nỗ lực để đảm bảo Hiệp định được ký kết vào năm 2020.

Gia nhập các hiệp định thương mại tự do không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững. Ảnh: Hải Luận

RCEP, với các cuộc đàm phán đã được công bố vào cuối năm 2012, là một thỏa thuận thương mại được đề xuất bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc). Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. RCEP đã được cho là có tiềm năng trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khoảng 3,6 tỉ người và chiếm 1/3 GDP của thế giới.

Phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, việc kết thúc đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cơ hội mà Việt Nam có thể nhìn thấy rõ nhất tại RCEP đó chính là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, dệt may, chế biến nông sản, thủy sản.

Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP để RCEP có thể đi tới đích.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-nhap-chien-luoc/