Hội Nhà báo Nghệ An và trăn trở về những tác phẩm báo chí có thương hiệu

Nghệ An có hơn 500 phóng viên và cộng tác viên của 8 cơ quan báo chí trong tỉnh và 47 văn phòng đại diện, thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương. Đa số các phóng viên đã tốt nghiệp các trường đại học...Nhiều năm được đánh giá là Hội Nhà báo địa phương mạnh, hoạt động năng nổ nhưng với ông Trần Duy Ngoãn, người cầm chịch 'ngôi nhà chung' của báo chí Nghệ An, thế vẫn là chưa đủ…

Ở Nghệ An có hơn 500 phóng viên và cộng tác viên của 8 cơ quan báo chí trong tỉnh và 47 văn phòng đại diện, thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương. Đa số các phóng viên đã tốt nghiệp các trường đại học. Con số ấn tượng này cho thấy đội ngũ làm báo ở Nghệ An đã tạo thành một trung tâm báo chí chất lượng ở khu vực Bắc Trung bộ mà không dễ tỉnh thành nào cũng có được. Trong dòng chảy báo chí sôi nổi ấy, Hội Nhà báo Nghệ An hiện diện như một “ngôi nhà chung” của anh em báo chí, không ngừng tạo đà cho những “cú hích” mà kết quả của nó là rất nhiều bài báo ấn tượng. Nhiều năm được đánh giá là Hội Nhà báo địa phương mạnh, hoạt động năng nổ nhưng với ông Trần Duy Ngoãn, người cầm chịch “ngôi nhà chung” của báo chí Nghệ An, thế vẫn là chưa đủ…

Báo chí không chỉ là truyền thông

Ông Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An bộc bạch rằng “cao hơn cả truyền thông, báo chí đang trở thành hơi thở tự nhiên của cuộc sống thường ngày”. Và, “giữa bộn bề của nhịp sống báo chí nếu phóng viên chậm nghĩ, chậm viết thì anh sẽ bị lỡ nhịp, bị lạc hậu nhận biết so với diễn biến thời cuộc”.

Ông Ngoãn cho hay, ở Nghệ An có hơn 500 phóng viên và cộng tác viên của 8 cơ quan báo chí trong tỉnh và 47 văn phòng đại diện, thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương. Đa số các phóng viên đã tốt nghiệp các trường đại học. Con số ấn tượng này cho thấy đội ngũ làm báo ở Nghệ An đã tạo thành một trung tâm báo chí chất lượng ở khu vực Bắc Trung bộ mà không dễ tỉnh thành nào cũng có được.

Đông đảo bạn đọc đến với Hội báo Xuân Mậu Tuất tại Nghệ An (trong ảnh, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đứng giữa và các ông Trần Duy Ngoãn – Chủ tịch HNB Nghệ An, Nguyễn Văn Hùng, Phó TBT báo Nghệ An).

Thực tế cho thấy, khi xuất hiện một sự kiện thời sự nóng thì rất đông các nhà báo liền có mặt, dù ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ sau một “chớp mắt” đủ thể loại báo chí như báo điện tử, clip, phát thanh, truyền hình kể cả facebook đã lên mạng, truyền tải thông tin thời sự nóng bỏng này đến mọi người dân trên cả nước và thế giới. “Chưa có thời kỳ làm báo nào như hiện nay, khi báo chí cạnh tranh khốc liệt từng phút, từng giờ đến nỗi mặc cho đêm hôm mưa to, gió lớn, bão lũ hoành hành hoặc ngày nắng như đỏ lửa với dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông… nhưng chỉ cần mở điện thoại đọc trên mạng sẽ thấy bước chân lăn lộn của phóng viên qua từng hình ảnh sinh động, liên tiếp chi tiết cập nhật sự kiện. Họ thật sự là những nhà báo chiến sĩ, bám trận địa để làm nên hơi thở tự nhiên của báo chí”. Ông Ngoãn hào hứng nói.

Sau khi kể qua hàng loạt sự kiện, ông Ngoãn chuyển hướng đề tài như để khắc sâu thêm sự bề bộn của nhịp sống báo chí trong mọi tình huống, mọi hoạt động trên địa bàn. Ông nói: “Riêng về chuyện thu hút đầu tư thì báo chí tại khu vực này ghi nhận một thành công trải dài suốt 10 năm nay. Đó là tuyên truyền, quảng bá sâu đậm hình ảnh của Nghệ An ra cả nước và quốc tế nhằm tạo sức hút các nhà đầu tư đến với Nghệ An. Đầu xuân năm nay, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 10 của Nghệ An đã có hơn 13.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp trong, ngoài nước ký kết”.

Bàn sâu về khả năng tuyên truyền của báo chí, ông Ngoãn đặc biệt quan tâm đến những tác phẩm báo chí mang đậm chất phản biện, phản ánh một cách sắc nét các biểu hiện tiêu cực trên các phương diện của xã hội. Chính những bài báo này đã mang đến sự hữu ích cụ thể, tạo thêm đà phát triển cho tỉnh. Bài báo “Mang tiền công đức đi đâu?” (Tuổi Trẻ, 2013) phản ánh tiêu cực tồn tại lâu năm tại đền Hoàng Mười thuộc huyện Hưng Nguyên đã giúp cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc, kiểm tra, chấn chỉnh quy trình và đạo đức làm việc của Ban quản lý. Từ việc quản lý tiền công đức khoảng 500 triệu đồng mỗi năm nay đã tăng lên hơn 12 tỉ đồng/năm. Vụ phá rừng pơ mu ở huyện Tương Dương mới đây (Nhà báo&Công luận, VTC) đã được Tỉnh ủy chỉ đạo điều tra, làm rõ. Kết cục, có 4 cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện và Hạt Kiểm lâm bị khởi tố, bắt tạm giam 3 người. Một cán bộ đồn biên phòng Tam Hợp bị cảnh cáo về Đảng.

Những bài báo phản ánh tình trạng giá cả, phân bón giả, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường xuất hiện trên nhiều mặt báo đã giúp các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, đúng địa chỉ. Trong lĩnh vực đầu tư cũng xuất hiện những bài báo phản ánh chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về dự án treo nhiều tỷ đồng, dự án chậm tiến độ nhiều thời gian và cách xử lý của UBND tỉnh. Những bài báo này giúp các nhà đầu tư trong tương lai thấy rõ sự quan tâm của tỉnh đến chất lượng và yêu cầu bức thiết của các dự án để yên tâm “rót” vốn đầu tư.

Tạo đà cho những “cú hích”

Hàng tháng, Hội Nhà báo Nghệ An phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức đều đặn giao ban báo chí. UBND tỉnh đứng ra họp báo mỗi quý một lần. Đây chính là diễn đàn dành cho phóng viên để bàn luận về hiệu quả của hoạt động báo chí với sự phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây là một sự cố gắng, quan tâm lớn mà không phải tỉnh nào cũng thực hiện được.

Một lớp bồi dưỡng kỹ năng viết về xây dựng Đảng cho phóng viên báo chí tại Nghệ An.

Hội Nhà báo Nghệ An hiện diện như một “ngôi nhà chung” của anh em báo chí. Nói chuyện về “ngôi nhà chung” này, ông Ngoãn liệt kê ba nhiệm vụ được xem như ba bước tạo đà quan trọng cho những tác phẩm báo chí ra đời. Đó là, tập hợp hội viên để nâng cao trình độ lý luận, chính trị; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; bảo vệ quyền hành nghề chính đáng và hợp pháp của hội viên. Để việc tạo đà đạt hiệu quả như mong muốn, Hội Nhà báo Nghệ An phối hợp Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo VN) mở lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ. Khi có cuộc thi Búa Liềm Vàng thì mời giáo viên từ Tạp chí Cộng sản về truyền thụ kinh nghiệm viết về lĩnh vực này. Khi chuẩn bị bầu cử hoặc Đại hội Đảng toàn quốc thì mời những giảng viên giàu kinh nghiệm về truyền đạt kiến thức. Lớp viết phóng sự, ký sự thì mời các nhà báo có uy tín và thương hiệu của các tờ báo có thế mạnh như Lao Động, Tuổi Trẻ.... Ông Ngoãn nói tiếp: “Hội phải nhạy bén khi mở lớp bồi dưỡng. Lớp bồi dưỡng nào cũng có mục đích sát thực, không mở ngẫu hứng. Thời gian lớp học không nhiều nhưng hiệu quả phải cao”.

Chúng tôi đã từng chứng kiến lớp bồi dưỡng về Luật Báo chí; làm báo đa phương tiện; kỷ nguyên số; xây dựng tòa soạn hội tụ; kỹ năng làm clip; ảnh báo chí; cách làm báo điện tử và trang thông tin điện tử… Bình quân mỗi lớp từ 50 - 80 học viên. Ngoài những lớp dạng này, Hội Nhà báo Nghệ An còn cử nhà báo ra Hà Nội dự các lớp học do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Khi những “cú hích” thực sự khởi động bằng những tác phẩm báo chí ra đời, Hội Nhà báo Nghệ An phối hợp Sở Thông tin & Truyền thông và cơ quan chức năng tổ chức các giải báo chí hàng năm và giải báo chí về dân số của nghành Y tế, Du lịch Cửa Lò, Khoa học công nghệ… Xen giữa những hoạt động này là các hội thảo tuyên truyền về biển đảo; quảng bá về du lịch; đạo đức nghề nghiệp của phóng viên báo chí; bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo được Hội Nhà báo Nghệ An kết hợp tổ chức với mong muốn không ngừng tạo đà cho những “cú hích” mới.

Vẫn còn những trăn trở

Sau những thành tựu từ cách nghĩ đến việc làm để tạo ra các tác phẩm báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An lộ rõ trăn trở về “xây dựng một đội ngũ nhà báo có thương hiệu bằng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc. Không có nhà báo thấp kém về đạo đức và nghề nghiệp. Nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan báo chí Trung ương và địa phương với Hội Nhà báo cấp tỉnh để sự nghiệp báo chí khu vực phát triển trong mọi hoàn cảnh, hòa nhịp với sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng trên cả nước.

Vũ Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/hoi-nha-bao-nghe-an-va-tran-tro-ve-nhung-tac-pham-bao-chi-co-thuong-hieu-35339