Hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang năm 2018; Thu hút đầu tư hơn 132 ngàn tỷ đồng

Sáng ngày 15/12/2018, tại TP Long Xuyên, UBDN tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang năm 2018, với chủ đề ' An Giang - Kết nối cơ hội-Hợp tác thành công' để giới thiệu mời gọi đầu tư 60 dự án và trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư cho hàng chục dự án. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã đến chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các nhà doanh nghiệp đầu tư vào An Giang

Tại Hội nghị, An Giang đã giới thiệu những tiềm năng lợi thế trong đó chú trọng 2 lĩnh vực là nông nghiệp và du lịch. 60 dự án được ưu tiên mời gọi đầu tư, trong đó 9 dự án nông nghiệp, 24 dự án thương mại-dịch vụ-du lịch, 23 dự án công nghiệp, 1 dự án giao thông vận tải, 2 dự án xây dựng và 1 dự án dịch vụ y tế.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang xác định và khẳng định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch vẫn là thế mạnh của địa phương; và sẽ quyết tâm biến thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới.Khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi định hướng đã đề ra, An Giang đã xây dựng hình ảnh một chính quyền năng động, sáng tạo.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (bên phải) ký kết với nhà đầu tư

Luôn tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp.Tỉnh đã ban hành các quy định, các cơ chế để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30-50% so với quy định; Hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông. An Giang luôn duy trì cơ chế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; thực hiện nghiêm cơ chế giám sát và xử lý nhũng nhiễu của công chức và bộ máy các cấp. Những nỗ lực của địa phương trong thời gian qua trong việc thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao thông qua thứ hạng và điểm số các chỉ số PCI, PAPI được cải thiện đáng kể.

Chủ đề của hội nghị hôm nay “Kết nối cơ hội – Hợp tác thành công” như một thông điệp An Giang mong muốn những cơ hội đến được tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và An Giang muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh của địa phương. Với thông điệp này, tại hội nghị hôm nay đã kết nối thành công với 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là trên 27 nghìn 600 tỷ đồng. Đồng thời kết nối cơ hội cho 05 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35 nghìn 500 tỷ đồng và 04 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 69 nghìn 500 tỷ đồng.

An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án trong một số lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...”

Bí thư Tỉnh ủy An Giang,Võ Thị Ánh Xuân cùng Chủ tịch UBND tỉnh An Giang,Vương Bình Thạnh,

trao Quyết định đầu tư cho doanh nghiệp

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao tiềm năng thế mạnh của An Giang. Theo TS. Trần Du Lịch, để khai thác được những tiềm năng lợi thế, An Giang phải công nghiệp hóa từ thế mạnh của nền sản xuất nông nghiệp. Nếu duy trì một nền sản xuất nông nghiệp như hiện nay, không phát riển các vùng chuyên canh gắn với chế biến, không tổ chức lại sản xuất khả dĩ hấp thụ được thành tựu kỹ thuật, công nghệ cao, hấp thụ được vốn, thu hút các nhà doanh nghiệp nông nghiệp nhằm khai thác lợi thế của nông nghiệp, thì dù có xây dựng bao nhiêu nhà máy điện, thép, đưa giá trị công nghiệp chiếm áp đảo trong cơ cấu GRDP, thì cũng không thể trở thành tỉnh công nghiệp.

“Đối với An giang, cần xây dựng các “cứ điểm liên kết sản xuất công- nông nghiệp” ở những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi; thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu vào các khu công nghiệp , tận dụng lợi thế giá đất rẻ, lao động tại chỗ, mà hiện nay ở Miền Đông Nam bộ không còn lợi thế; hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Chuyển nông dân thành thị dân, chuyển người lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu và cũng khó khăn nhất trong quá trình CNH. Đây cũng chính là vai trò của Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường, giải quyết mâu thuẫn trong quá trình tích tụ đất đai cho nền nông nghiệp sản xuất lớn và cũng chính là điều kiện để thu hút đầu tư vào các ngành nghề phi nông nghiệp.

An giang không thể phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, mà phải đi vào chiều sâu, trong đó lấy công nghiệp chế biến làm cở sở để sản xuất nông nghiệp. Chính doanh nghiệp chế biến gắn với thi trường sẽ quyết định quy mô các vùng chuyên canh nông nghiệp. Cốt lõi của sản xuất theo chiều sâu là sản phẩm nông nghiệp trở thành nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. CNH không chỉ là tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP, mà quan trọng hơn là CNH mọi hoạt động kinh tế. Chính ngành công nghiệp chế biến sẽ tạo ra tác phong công nghiệp cho người nông dân trên chính mảnh ruộng của mình.” TS. Trần Du Lịch, chia sẻ.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng “An Giang ngày nay không chỉ là vựa lúa, vựa cá, là vùng đất linh thiêng với hệ sinh thái đa dạng hàng đầu ĐBSCL xét về lịch sử hình thành và phát triển, cha ông chúng ta đã “mưu xa, nghĩ lớn” về nơi đây như một vùng biên giới vững chắc, về giao thương, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân…”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra nhiều thế mạnh và lợi thế của An Giang như về nông nghiệp, du lịch-nơi hàng năm đón 6 triệu lượt du khách. Nơi hạt lúa, con cá do người nông dân và doanh nghiệp đã nuôi trồng và đi rất nhiều nơi trên thế giới. An Giang ngày nay là cửa ngõ quan trọng của ĐBSCL, hướng về thị trường Campuchia, toàn bộ thị trường ASEAN và hàng chục nước ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mong muốn: “Tiềm năng và lợi thế của An Giang là điều không còn bàn cải nữa mà trong hội nghị hôm nay là để làm sao có nhiều nhà đầu tư, có nhiều doanh nghiệp đến An Giang đầu tư và tổ chức các hoạt động kinh doanh để tạo ra nhiều của cải xã hội trong đó có phần lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm và thu nhập cho người dân và nguồn thu ngân sách cho chính quyền. Đây không phải là câu chuyện của nhà nước và doanh nghiệp mà đây thực sự là sự chung tay của tất cả các bên liên quan.”

Huỳnh Biển

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/hoi-nghi-xuc-tien-dau-tu-an-giang-nam-2018-thu-hut-dau-tu-hon-132-ngan-ty-dong_n44168.html