Hội nghị WEF ASEAN 2018: Cơ hội lớn cho ASEAN để nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0

Từ ngày 11 đến 13-9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề 'ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0' đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị quy tụ nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: Trọng Hải

Cơ hội song hành cùng thách thức

Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới. ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030 và ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Trước đây, khi nói đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú, giàu tiềm năng, là một công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến như là một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho ASEAN những điều kiện vô cùng lớn. Một là đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: Điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Hai là, CMCN 4.0 cũng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ba là, phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới. Bốn là, cơ hội “đi tắt” trong chính sách công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra đối với ASEAN cũng không nhỏ. Điều dễ nhận thấy nhất là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 56% người lao động tại 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ phải đối diện nguy cơ thất nghiệp do áp dụng kỹ thuật tự động hóa trong hai thập niên tới. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 có khả năng làm gia tăng khoảng cách thu nhập, từ đó tạo nguy cơ về bất ổn xã hội.

Một báo cáo khác được Tập đoàn Cisco công bố tại hội nghị cũng chỉ ra rằng, trong 10 năm tới, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động tới 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Cụ thể, những công nghệ dựa trên AI khiến kỹ năng lao động phổ thông trở nên dư thừa trong tương lai. Người lao động kỹ năng thấp sẽ chịu rủi ro lớn nhất; trong đó lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là ngành dịch vụ, nông nghiệp. “Khoảng 28 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong vòng 10 năm tới”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà lãnh đạo của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan trong Phiên thảo luận “Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong” dưới sự dẫn dắt của của ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Trọng Hải

4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển cách mạng công nghiệp 4.0

Đứng trước những cơ hội và thách thức như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới hội nghị 4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển CMCN 4.0 và đẩy lùi những thách thức từ cuộc cách mạng này.

Thứ nhất là việc kết nối số, chia sẻ dữ liệu; cùng với chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Thứ hai, xây dựng cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối. "Liên kết một cửa ASEAN là cơ hội tốt. Tại diễn đàn này, Việt Nam đưa ra sáng kiến mới hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thứ ba, ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm này.

Cuối cùng, ASEAN cần hình thành mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời. "Trong bối cảnh lan tỏa cách mạng 4.0, chúng ta phải chung tay hợp tác, phát huy sức mạnh nội khối để hướng tới hòa bình, ổn định, tự cường dựa trên nền tảng người dân, lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Đồng tình với quan điểm “lấy con người làm trung tâm”, Thủ tướng Campuchia Hun Xen và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho rằng, CMCN 4.0 không chỉ gắn với giới trẻ mà là tất cả mọi người. “Cần phải đầu tư hơn nữa vào giáo dục, trang bị kỹ năng để người dân có thể biến CMCN 4.0 thành những lợi ích”, bà San Suu Kyi đề nghị.

Tuy nhiên, theo Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, để thành công đòi hỏi các chính phủ ASEAN tạo ra các điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. "Cuộc cách mạng này sẽ xóa bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này", ông Klaus Schwab tin tưởng.

Trong 3 ngày, với 60 phiên họp, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực đã được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoi-nghi-wef-asean-2018-co-hoi-lon-cho-asean-de-nam-bat-cach-mang-cong-nghiep-4-0/