Điều ít biết về nhiệm vụ thủy táng trùm khủng bố Binladen của tàu sân bay USS Carl Vinson đang thăm Việt Nam

USS Carl Vinson đã trở thành một trong những chiếc tàu sân bay nổi tiếng nhất của Mỹ bởi đây chính là nơi tiến hành nghi thức thủy táng trùm khủng bố Osama Binladen ngày 2-5-2011.

 Lễ thủy táng Osama bin Laden được tiến hành theo nghi thức Hồi giáo và không có thủy thủ nào trên con tàu sân bay USS Carl Vinson chở xác trùm khủng bố được chứng kiến, theo tiết lộ từ email mật của quân đội Mỹ ngày 21-11-2012.

Lễ thủy táng Osama bin Laden được tiến hành theo nghi thức Hồi giáo và không có thủy thủ nào trên con tàu sân bay USS Carl Vinson chở xác trùm khủng bố được chứng kiến, theo tiết lộ từ email mật của quân đội Mỹ ngày 21-11-2012.

Trùm khủng bố Osama Binladen lãnh đạo nhóm khủng bố khét tiếng Al-Qeada, nhóm đã gây ra những vụ khủng bố đẫm máu kinh hoàng nhằm vào người dân Mỹ.

Hình ảnh tòa tháp đôi của Mỹ bị nhóm Al-Qeada dùng máy bay thương mại đâm vào làm sập ngày 11-9-2001.

Khoảnh khắc chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi thứ hai.

Vụ tấn công đã làm 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương.

Cảnh kinh hoàng ngày 11-9-2001 tại Mỹ.

Hai tòa tháp lần lượt sụp đổ kéo theo hàng ngàn nhân mạng.

Mỹ đã điều tra và xác nhận trùm khủng bố Osama Binladen là người phải chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố trên.

Chính phủ Mỹ đã trải qua một chiến dịch truy lùng trùm khủng bố này vô cùng vất vả và kéo dài cả thập niên. Bin Laden được cho là ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan và Pakistan và lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã không ít lần bắt hụt.

Hang ổ cuối cùng của Binladen thực tế là nằm ngay ngoại ô thị trấn Abbottabad phía tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad chỉ 100 km. Khu nhà nằm biệt lập với xung quanh là khoảng đất trống và những ngôi nhà của người dân thuộc tầng lớp trung lưu hoặc sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Nơi này chỉ cách Học viện quân sự nổi tiếng nhất Pakistan chỉ vài cây số.

Theo nhiều nguồn tin, giới chức tình báo Mỹ bắt đầu nhận được tin tức cho thấy Osama Binladen có mặt trong tòa nhà này từ tháng 8-2010 và đã phải dành nhiều thời gian để xác minh.

Toàn bộ khu trú ẩn của trùm khủng bố rộng khoảng 3.000 mét vuông trị giá ước tính một triệu USD nhưng không có đường dây điện thoại hay Internet kết nối với bên ngoài. Hình ảnh căn nhà nơi Binladen ẩn nấp.

Bao quanh nó là một hàng rào kiên cố cao 4,5 mét có dây thép gai giăng bên trên và gắn nhiều camera theo dõi. Bên cạnh đó là hệ thống an ninh chặt chẽ, với hai chiếc cổng gác và các công trình xây dựng được bố trí như một tổ hợp pháo đài có chủ ý phòng thủ từ bên trong. Trung tâm của khu phức hợp này là tòa nhà 3 tầng khá rộng, nhưng có rất ít cửa sổ và cũng được bao bọc bằng một bức tường nữa cao hơn 2 mét.

Ngày 29-4-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh thực hiện vụ tấn công vào tòa nhà và tiêu diệt trùm Al-Qaeda mà không thông báo cho chính phủ Pakistan.

Điệp vụ mở màn lúc 22h30 giờ địa phương ngày 30-4 khi bốn chiếc trực thăng chở lực lượng biệt kích SEAL vượt biên giới từ Afghanistan đáp xuống tòa nhà. Ngay sau đó là cuộc đấu súng ác liệt giữa lực lượng này với các tay súng bảo vệ Binladen để tìm cách thâm nhập vào bên trong

Không lâu sau, họ tìm thấy trùm khủng bố này trên tầng ba. Theo những thông báo được đưa ra sau chiến dịch tiêu diệt, lúc đó Binladen cầm một khẩu súng tự động và bắn về phía họ.

Sau khi bắn một viên đạn vào phía trên mắt trái và thổi bay một phần sọ của y, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bồi thêm một viên nữa vào ngực nhằm đảm bảo trùm Al-Qaeda đã chết.

Tổng thống Barack Obama được chứng kiến trực tiếp toàn bộ chiến dịch cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates truyền từ Pakistan về Nhà Trắng. Giám đốc sắp mãn nhiệm của Cục Tình báo Trung ương Mỹ khi đó là Leon Panetta thuyết minh chiến dịch thông qua một màn hình video từ một nơi khác ở Washington.

Sau khi bị hạ sát, xác Binladen được biệt kích Mỹ chở thẳng từ Pakistan về Afghanistan bằng trực thăng và tại đây chuyên gia pháp y xác nhận đó chính là người bị Mỹ truy lùng gắt gao suốt hàng chục năm trời

Cái xác sau đó được chở tiếp bằng trực thăng ra tàu sân bay USS Carl Vinson .

USS Carl Vinson nhận thi thể bin Laden trên biển Bắc Ả Rập từ biệt đội SEAL. Thi thể Binladen sau đó được đặt trong một chiếc túi để trên tấm ván phẳng, đợi một sĩ quan làm nghi lễ tôn giáo xong rồi thả trôi xuống biển.

“Lễ thủy táng được thực hiện theo nghi thức Hồi giáo. Thi thể được tắm rửa, rồi được quấn trong một miếng vải trắng và sau đó được đặt trong một cái túi nặng”, Phó Đô đốc Charles Gaouette, Phó tư lệnh Hạm đội 5 của Mỹ viết trong một bức thư điện tử vào ngày 2-5-2012.

“Một sĩ quan đã đọc các bài kinh dành cho lễ mai táng của đạo Hồi được chuẩn bị sẵn trước đó và một phiên dịch viên Ả Rập dịch lại. Sau khi kết thúc các bài kinh, thi thể của Osama Binladen được đặt lên một tấm ván nghiêng để thả trôi xuống biển”, theo bức thư của ông Gaouette.

Mỹ cho hay họ chọn cách thủy táng vì không muốn mộ của trùm khủng bố Binladen trở thành một đền thờ.

Việc bí mật thả thi thể trùm khủng bố xuống biển chỉ một số rất ít sĩ quan cao cấp của Mỹ chứng kiến.

Được biết, Phó Đô đốc Gaouette và một quan chức khác đã phải dùng mật mã khi thảo luận xem trực thăng chở lực lượng đặc nhiệm SEAL và thi thể của trùm khủng bố Binladen đã đến tàu USS Carl Vinson hay chưa.

“Có tin tức gì về gói hàng cho chúng tôi không”, ông Gaouette hỏi Phó Đô đốc Samuel Perez, chỉ huy đội tàu sân bay, gồm cả chiếc USS Carl Vinson. “FedEx đã chuyển gói hàng. Cả hai chiếc xe tải đang trên đường đến căn cứ an toàn”, ông Perez trả lời.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Obama cam kết sẽ trở thành chính quyền minh bạch và công khai nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng kể cả khi ông rơìchức vụ Tổng thống Mỹ và cho đến nay vẫn giữ kín các thông tin liên quan đến chiến dịch tiêu diệt Binladen.

Cận cảnh tàu sân bay USS Carl Vinson đang neo đậu tại cảng Đà Nẵng. Con tàu từng nổi tiếng vì từng thủy táng xác trùm khủng bố Osama Binladen.

USS Carl Vinson là một trong những chiến hạm lớn và mạnh nhất của Mỹ với sức mạnh tấn công nằm ở không đoàn với nhiều tiêm kích hiện đại.

USS Carl Vinson (CVN-70) là siêu tàu sân bay thứ ba thuộc lớp Nimitz, được khởi đóng ngày 11-10-1975 và hạ thủy sau đó 5 năm. Quá trình hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị kéo dài thêm hai năm, trước khi tàu được đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 13-3-1982.

Con tàu được đặt theo tên thượng nghị sĩ Carl Vinson, người bảo trợ đạo luật Vinson-Trammel, cho phép hải quân Mỹ đóng mới 92 tàu chiến lớn và loại bỏ những tàu cũ. Với công trạng này, ông được mệnh danh là "cha đẻ của đạo luật Hải quân hai đại dương".

Biểu tượng của CVN-70 là con đại bàng có đôi cánh dài, ngậm một dải băng có dòng chữ bằng tiếng Latin "Vis Per Mare", nghĩa là "Sức mạnh trên biển cả".

USS Carl Vinson có chiều dài 333 m, rộng 77 m và lượng giãn nước đầy tải 106.000 tấn, trở thành một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.

Với thủy thủ đoàn 5.000 người, bao gồm 3.000 thủy thủ thường trực và 2.000 người thuộc biên chế không đoàn tàu sân bay, USS Carl Vinson được ví như một "thành phố nổi" trên đại dương.

Các tàu sân bay lớp Nimitz như Carl Vinson được thiết kế để thay thế tàu sân bay lớp Kitty Hawk và Enterprise cũ kỹ, duy trì sức mạnh hải quân Mỹ khi những hàng không mẫu hạm cũ bị loại biên.

Chúng được ứng dụng nhiều cải tiến so với các thế hệ tiền nhiệm, nổi bật như hệ thống lò phản ứng hạt nhân nhỏ gọn hơn nhiều so với lớp Enterprise. Mỗi chiếc Nimitz có thể mang nhiều hơn 90% nhiên liệu máy bay và 50% bom đạn so với lớp Forrestal.

Nhiệm vụ chủ đạo của USS Carl Vinson và các tàu sân bay khác của Mỹ là triển khai sức mạnh quân sự của nước này trên khắp các đại dương của thế giới.

Chúng được trang bị lò phản ứng hạt nhân để tăng dự trữ hành trình và tầm hoạt động trên biển, đồng thời bổ sung nhiều hệ thống vũ khí dựa trên tiến bộ công nghệ và tình báo đầu thập niên 1980.

Mỗi tàu lớp Nimitz được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân A4W đặt trong khoang riêng biệt. Nhiệt lượng từ phản ứng phân hạch đun nóng nước và tạo ra hơi nước áp suất cao.

Nguồn hơi nước này được đẩy qua 4 tua bin để tạo lực quay cho 4 chân vịt bằng hợp kim đồng, mỗi chiếc có đường kính 7,6 m và nặng 30 tấn, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa 56 km/h khi đầy tải.

Một phần hơi nước được dẫn tới hệ thống piston thuộc máy phóng hơi nước bên dưới boong tàu, tạo lực đẩy giúp các máy bay xuất phát trên đường băng ngắn.

Vũ khí tiến công chính của tàu sân bay lớp Nimitz là không đoàn trên hạm (CVW). USS Carl Vinson có thể mang tối đa 130 tiêm kích F/A-18 hoặc 85-90 máy bay các loại, nhưng nó thường chỉ triển khai 64 phi cơ. Lực lượng đang phục vụ trên tàu Carl Vinson là Không đoàn tàu sân bay số 2 (CVW-2) gồm 9 phi đoàn.

Mũi tấn công chủ lực của USS Carl Vinson gồm 24-36 tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất, cùng 20-24 máy bay F/A-18C/D Hornet, trong đó một nửa do thủy quân lục chiến Mỹ cung cấp.

Đội hình phi cơ hỗ trợ gồm 4-6 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4-6 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C/D Hawkeye. Hoạt động vận tải, tiếp tế hậu cần cho tàu được giao cho phi đoàn vận tải cơ C-2 Greyhound.

USS Carl Vinson là chiếc đầu tiên thuộc lớp Nimitz được trang bị khả năng chống ngầm, với 6-8 trực thăng săn ngầm SH-60F. Các trực thăng này cũng có thể thực hiện nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ.

Ngoài không đoàn tàu sân bay, USS Carl Vinson cũng được trang bị các tổ hợp vũ khí phòng không, gồm hai bệ phóng tên lửa Mk 57 Mod 3 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và ba tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx. Tàu cũng được trang bị một số bệ phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa diệt hạm đối phương.

Với hệ thống vũ khí này, tàu sân bay lớp Nimitz được ví như "pháo đài nổi" của hải quân Mỹ, nhưng chúng vẫn không đủ khả năng độc lập tác chiến, nhất là khi phải đối mặt với các đợt tấn công bằng số lượng lớn tên lửa chống hạm.

Do vậy, những tàu như Carl Vinson thường được triển khai trong đội hình được gọi là Nhóm tác chiến tàu sân bay, với sự góp mặt của nhiều tàu tuần dương, khu trục hạm, tàu ngầm và tàu hậu cần.

Trong thời bình, mỗi tàu lớp Nimitz thường triển khai cùng một tàu tuần dương phòng không lớp Ticonderoga, một tàu khu trục đa năng lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles.

Khi nổ ra chiến tranh tổng lực, Mỹ có thể triển khai tới 6 tàu khu trục và tuần dương, hai tàu ngầm tấn công và ba tàu hậu cần để hỗ trợ hoạt động của USS Carl Vinson.

Ngoài nhiệm vụ hộ vệ, các tàu này cũng bổ sung năng lực tiến công tầm xa nhờ hệ thống tác chiến Aegis và tên lửa hành trình Tomahawk.

Kể từ khi được biên chế, USS Carl Vinson đã góp mặt trong nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Gần đây, USS Carl Vinson thường được triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-dieu-it-biet-ve-nhiem-vu-thuy-tang-trum-khung-bo-binladen-cua-tau-san-bay-uss-carl-vinson-dang-tham-viet-nam/759510.antd