Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư thương mại Nhật Bản vào Đà Nẵng

Đối với Đà Nẵng, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm kêu gọi đầu tư, đặc biệt với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành kinh tế mũi nhọn.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 30/9, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại Nhật Bản vào Đà Nẵng" bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính là Hà Nội và Đà Nẵng.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên chủ trì, với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam và khoảng 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ thông tin tiềm năng tại Nhật Bản tham dự qua nền tảng trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn chia sẻ, Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đang nổi lên và được ví như là một "thung lũng Silicon" của Đông Nam Á.

Chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến đắt giá, thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh Việt Nam đang chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sáng chế tạo sản phẩm, dịch vụ theo hướng sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam (gọi là “Make in Viet Nam”).

Đồng thời, Việt Nam sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn nghệ thuật nước ngoài đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số thuộc lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như sản xuất thiết bị thông minh sử dụng internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (ilcoud), an ninh mạng thương mại điện tử.

Chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là tận dụng lợi thế cạnh tranh mới như ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm tra đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng mạng di động thông tin, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G và rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tập trung.

Việt Nam cũng thiết kế các gói ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp có các dự án đầu tư quy định vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ (R&D) và trung tâm thay đổi mới sáng tạo quốc gia.

Việt Nam đã ban hành chương trình chuyển đổi quốc gia số với tiêu chuẩn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số. Kỳ vọng chương trình này sẽ tạo ra một không gian số bao trùm các lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp, giao nhận-vận tải và hình thành một môi trường hợp tác sâu, rộng cho các doanh nghiệp công nghệ bên ngoài đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Đại diện phía Nhật Bản cho biết, thời gian qua, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD từ khoảng 4.200 dự án (trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông), hiện Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư vốn nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Đối với Đà Nẵng, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm kêu gọi đầu tư, đặc biệt với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin - ngành kinh tế mũi nhọn mà thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển.

Tính đến tháng 9/2020, Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại thành phố Đà Nẵng với 214 dự án, tổng vốn hơn 816 triệu USD, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Nhật Bản có những lợi thế về nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ trình độ công nghệ thông tin phát triển… Việc thúc đẩy đầu tư thương mại trong lĩnh vực công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thành phố Đà Nẵng là hoạt động mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, chiều 30/9, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia kết nối doanh nghiệp (Business matching) nhằm đối thoại trực tiếp với các đơn vị quản lý các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng./.

Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-xuc-tien-dau-tu-thuong-mai-nhat-ban-vao-da-nang/666702.vnp