Hội nghị toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020: Trọng tâm đổi mới giáo dục – đào tạo

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 đã đề xuất, góp ý nhiều nội dung quan trọng để ngành Giáo dục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ GD và ĐT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ GD và ĐT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 diễn ra ngày 31/10, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia giáo dục đã có nhiều ý kiến đánh giá về những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua và trong giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, từ đó đề xuất, góp ý nhiều nội dung quan trọng để ngành Giáo dục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
*Nên giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong 2 năm tới
Phát biểu tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển chia sẻ: Năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều công việc quan trọng, nếu thành công chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá. Trong đó, một số nội dung đã có kết quả ban đầu nhưng cũng có những nội dung cần 1 - 2 năm, thậm chí nhiều năm sau mới có kết quả.
Đánh giá cao việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Hiển, nếu kỳ thi đã ổn định được như vậy thì tạm thời 2 năm tới, chỉ nên cải tiến, không nên thay đổi, xáo trộn để học sinh, phụ huynh và giáo viên yên tâm.
Nhận xét về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Minh Hiển cho rằng, đây là công việc rất khó khăn, đòi hỏi thời gian và công sức, tập trung nỗ lực của toàn ngành, toàn xã hội.

Hai mươi năm trước, khi ngành Giáo dục tiến hành đổi mới cũng xảy ra những ý kiến, thậm chí là "búa rìu từ dư luận". Tuy nhiên, ngành Giáo dục cần bình tĩnh, tiếp thu các ý kiến của dư luận, có giải trình và cầu thị đúng mức.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, đổi mới giáo dục phải có quá trình dài. Ngành Giáo dục đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước yêu cầu cao và khắt khe của người dân dành cho giáo dục.

Mặt khác, khi ngành Giáo dục đặt ra những mục tiêu lớn, khát vọng lớn thì khó khăn, thách thức phải vượt qua càng lớn. Do đó, ngành cần kiên định với những cái mới, cái đúng, toàn ngành phải không ngừng sáng tạo, quyết tâm vượt khó để đi tới thành công.
*Cần lấy ý kiến rộng hơn khi thẩm định sách giáo khoa

Nhiều em học sinh lớp 1 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) khó khăn khi phát âm, ghép từ. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đề cập đến việc thẩm định sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Để tạo sự đồng thuận trong nhận định, đánh giá về chất lượng của sách, hạn chế những thông tin trái chiều, đặc biệt là trong đội ngũ giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến việc lấy ý kiến rộng hơn.

Ngoài ý kiến của những chuyên gia đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên trong Hội đồng thẩm định, Bộ cần quan tâm ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy.

Đây là kênh thông tin rất quan trọng từ thực tế giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Đây cũng là hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giáo viên đối với sách giáo khoa. Khi giáo viên đã hiểu, đã rõ, nhận định đúng thì uy tín của ngành Giáo dục cũng được nâng lên, nhất là trước thông tin từ dư luận.
Đối với việc tập huấn giáo viên, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho nhà xuất bản phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đối với mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo không quá 2 ngày là quá ngắn, chưa đủ thời gian để báo cáo viên và học viên kết nối, chia sẻ để cùng làm rõ ngữ liệu trong sách giáo khoa, cách tiếp cận và khai thác sách giáo khoa.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành Giáo dục chậm phát hiện những ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Giáo viên sẽ phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo khi đã được tập huấn, bồi dưỡng một cách khoa học, hợp lý về thời gian, chuẩn về phương pháp.
Góp ý thêm về ngữ liệu trong sách giáo khoa, bà Quyên Thanh nhấn mạnh, khi sử dụng ngữ liệu, nhất là với cấp tiểu học, cần đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa giáo dục tường minh thì nội dung bài học sẽ ấn tượng hơn với học sinh, hình thành được những cảm xúc tích cực để bồi dưỡng tâm hồn các em.

Bên cạnh đó, học sinh tiểu học hiện nay rất thông minh và có đủ điều kiện để tiếp cận thông tin.

Nếu bài học không rõ ràng và dễ hiểu, các em có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, dễ dẫn đến sai lệch trong nhận thức mà chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, Bộ cần quan tâm thêm vấn đề này.
*Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số 1

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ký năm nay, coi chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số 1. Bởi vậy, ngành Giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam có gần 80% học sinh học trực tuyến, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này tạo niềm tin rằng, nếu chúng ta quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số ngành Giáo dục chủ yếu là thay đổi mô hình, thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ, trước đây học chữ là chính, nay sinh viên cần làm nhiều hơn, thông qua làm để học.

Bởi vậy cơ sở đại học cần nhiều phòng thí nghiệm hơn. Các trường đại học nên làm việc với doanh nghiệp để đưa phòng thí nghiệm vào đại học.

Cách đây khoảng 1 tháng, Tập đoàn Viettel đã tặng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông một phòng lab, mô phỏng trọn vẹn một mạng điện thoại di động để sinh viên có thể trực tiếp thực tập và phát triển ứng dụng mới như trên mạng di động thực.
Cùng với đó, trước đây giáo viên dạy là chính, để có nhiều giáo viên dạy giỏi là không dễ, các tỉnh vùng sâu, vùng xa càng khó có nhiều giáo viên dạy giỏi. Hiện nay, giáo viên là người hướng dẫn nhiều hơn, giáo viên giỏi nhất sẽ làm bài giảng trực tuyến và phổ cập đến tất cả các trường.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ: Thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ cái gốc, cái nền của nhà mình; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ máy lập trình để giao tiếp người với máy. Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc nên đưa cả ba môn này thành ba môn học bắt buộc ở cấp phổ thông.
Hiện nay, công nghệ và cuộc sống thay đổi rất nhanh nên bắt buộc phải học cả đời. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao sẽ là nhu cầu thường xuyên. Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, có thể phát triển các nền tảng số cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy đặt ra các bài toán, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành phát triển. Trên thực tế, nhiều nền tảng giáo dục hiện nay đã ra đời, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19.

Học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Ngành Giáo dục và Đào tạo hãy có niềm tin rằng, công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng giải quyết hầu hết các bài toán mà ngành Giáo dục và Đào tạo có thể đặt ra; sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai.

Thời gian đào tạo ngắn hơn, gắn liền với thực tế hơn, nội dung bám sát vào những kiến thức, kỹ năng cần thiết, học từ thực tiễn và học tập suốt đời./.

Việt Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoi-nghi-toan-quoc-nganh-giao-duc-nam-2020-trong-tam-doi-moi-giao-duc-dao-tao/176420.html