Hội nghị tiếp xúc cử tri tổ chức khi nào, bao gồm các nội dung gì?

Hội nghị tiếp xúc cử tri là nơi để các ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại nơi mình ứng cử. Đây cũng là một trong 2 hình thức vận động bầu cử.

Hội nghị tiếp xúc cử tri là một trong 2 hình thức vận động bầu cử (Ảnh minh họa)

Hội nghị tiếp xúc cử tri là một trong 2 hình thức vận động bầu cử (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015, thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Như vậy, ở kỳ bầu cử năm nay, thời gian vận động bầu cử bắt đầu từ ngày 27/4 (thời điểm công bố danh sách chính thức các ứng viên) và kết thúc vào ngày 22/5.

Cũng theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp địa phương phối hợp với UBND ở địa phương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Thành phần tham dự hội nghị gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri bao gồm nhiều nội dung, trong đó nội dung quan trọng là đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử.

Tiếp đó, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND.

Cũng tại hội nghị, cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử ĐBQH gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp.

Trọng Sang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/hoi-nghi-tiep-xuc-cu-tri-to-chuc-khi-nao-bao-gom-cac-noi-dung-gi-138774.html