Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Món quà lớn Triều Tiên tặng Trung Quốc là gì?

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, việc Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố về khả năng Mỹ sẽ cho dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc được xem là món quà lớn Triều Tiên tặng Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hôm 12/6, Tổng thống Donald Trump còn nhắc tới khả năng trong tương lai, Mỹ sẽ cho rút toàn bộ binh sĩ đang đóng quân trên bán đảo Triều Tiên.

“Đây là chiến thắng lớn cho Trung Quốc”, ông Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại CSIS chia sẻ với CNN.

Quân đội Mỹ - Hàn tập trận chung năm 2017.

Theo ông Glaser, việc Mỹ cắt giảm hoạt động quân sự trong khu vực là mục tiêu chính sách của Trung Quốc suốt nhiều năm qua đặc biệt kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chính sách trục châu Á nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Về phần mình, chính quyền Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ tăng cường mở rộng mạng lưới đồng minh ở châu Á mà đặc biệt ở Đông Á, khu vực số lượng lớn quân đội và vũ khí Mỹ được triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Cụ thể, hiện 28.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt ở Hàn Quốc, con số này ở Nhật Bản là 49.000 người.

Tuy nhiên cho tới nay, chưa ai có thể hiểu chính xác ý nghĩa của tuyên bố cho dừng “các cuộc tập trận” mà ông Trump đưa ra trong buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 tại Singapore. Bởi lâu nay, Mỹ - Hàn tiến hành tới vài lần tập trận trong một năm.

Song theo giới phân tích, ngay cả khi Mỹ quyết định giới hạn hoạt động quân sự trong khu vực cũng đã đủ khiến Băc Kinh “vui mừng”.

Nói cách khác theo ông Glaser, chính quyền Trung Quốc xem sau việc hoãn các cuộc tập trận chung, Mỹ sẽ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và đây cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul rơi vào cảnh rạn nứt.

“Nếu Mỹ cho dừng tập trận, người dân Hàn Quốc sẽ bắt đầu đặt ra câu hỏi tại sao quân đội Mỹ vẫn còn hiện diện ở quốc gia này?”, ông Glaser nói.

Tuyên bố về khả năng rút quân và dừng tập trận với Hàn Quốc của Tổng thống Trump hoàn toàn trái ngược với nhận định được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra chỉ một tuần trước đó.

Phát biểu tại phiên Đối thoại Shangri-La 2018 tại Singapore, ông Mattis đã có những tuyên bố mang tính trấn an các đồng minh châu Á về việc Washington sẽ không rời khỏi khu vực này.

“Đừng để mắc lỗi. Mỹ vẫn sẽ ở lại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là mặt trận ưu tiên của Mỹ”, ông Mattis nói.

“Thực chất, Trung Quốc muốn làm suy yếu liên minh của Mỹ để từ đó, Mỹ buộc phải rút quân khỏi khu vực. Theo tôi, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội lớn cho mình”, ông Glaser nhận định.

Mối quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào căng thẳng trong những tháng gần đây sau những tranh chấp thương mại và hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo đó, Washington đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm và tiến hành quân sự hóa ở vùng biển chiến lược.

Còn theo ông Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND, ngay cả khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, quân đội Mỹ vẫn có thể được điều động tới một mặt trận khác để thách thức Trung Quốc.

“Mỹ có thể tái điều động và chuyển binh sĩ cũng như vũ khí từ Hàn Quốc sang các căn cứ khác ở châu Á như Nhật Bản, Philippines, Australia và nhiều nơi khác”, ông Heath chia sẻ.

Điều đáng nói, sau khi kết thúc thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Trung Quốc hoàn toàn có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt đã áp đặt với Triều Tiên.

“Lệnh trừng phạt có thể được thay đổi như trì hoãn hoặc gỡ bỏ hoàn toàn. Trung Quốc xem lệnh trừng phạt không phải là mục tiêu của mình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, Trung Quốc đã ra quyết định áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng. Song điểm mấu chốt, Bắc Kinh không muốn chứng kiến chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ bởi Triều Tiên được xem là vùng đệm ngăn quân đội Mỹ - Hàn tiến sát lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài ra, nếu Triều Tiên xảy ra khủng hoảng, làn sóng di cư từ Triều Tiên sẽ nhanh chóng đổ sang Trung Quốc. Do đó, chính quyền Bắc Kinh không hề mong muốn áp đặt lệnh trừng phạt và tìm mọi cơ hội để gỡ bỏ lệnh cấm với Triều Tiên.

Còn theo giới quan sát, gần đây, Trung Quốc đã cho phép tiến hành thêm các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới với Triều Tiên.

Điều này được Tổng thống Trump ám chỉ ngay trong tuyên bố hôm 12/6 của mình. Theo đó, ông Trump đã ca ngợi quyết định đóng cửa giao thương biên giới với Triều Tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Song theo ông Trump, “hoạt động này trong mấy tháng gần đây đã bị giảm nhẹ”.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-han-dung-tap-tran-chung-mon-qua-lon-trieu-tien-tang-cho-trung-quoc-post265402.info